Bài viết này dành tặng cho các bạn bè, cô chú ở nhà thờ Hirano, Osaka!
—————————————————————————————–
Trước khi giới thiệu về Thiên Chúa Giáo ở Nhật Bản, mình xin phép giới thiệu sơ qua 2 tôn giáo lớn ở Nhật để mọi người có cái nhìn tổng quát.
Thần đạo là một tôn giáo bản địa sơ khai của người Nhật, là tôn giáo đầu tiên ở Nhật Bản. Niềm tin của thần đạo là ”vạn vật hữu linh” tức là mọi vật đều có linh hồn, có thần linh ngự trị. Chính vì thế, thần thánh trong Thần đạo nhiều vô số kể, có khoảng 8 triệu vị thần bao gồm các thần sông, thần núi…đứng đầu là Nữ thần mặt trời Amaterasu. Thần đạo hiện tại là tôn giáo lớn nhất Nhật Bản với khoảng 80.000 ngôi đền. Mặc dù số liệu thống kê tín đồ thần đạo là hơn 50% dân số và vào dịp đầu năm hoặc các dịp quan trọng hầu hết người Nhật sẽ lên các đền thần đạo để bái chào thần linh, nhưng việc lập bàn thờ hoặc cúng bái hàng ngày ở các gia đình thực sự là không thịnh hành nên có thể xem Thần Đạo hiện nay không chỉ là tôn giáo mà còn là văn hóa trong cuộc sống của người Nhật.
Cổng Torii, biểu tượng của Thần Đạo
Phật giáo đi vào Nhật Bản từ thế kỷ thứ 6 và dần phát triển mạnh mẽ xuống tầng lớp bình dân từ khoảng thế kỷ thứ 8. Đầu thế kỷ thứ 12, lịch sử Nhật Bản biến động lớn, quyền lực rơi dần vào tay giới võ sĩ đạo. Nghèo khổ, sưu thuế, bệnh tật, nội chiến…càng làm cho con người ta cần tìm đến nương tựa vào thần linh nên Phật giáo càng trở nên hưng thịnh, nhiều tông phái mới đã ra đời vào thời kỳ này để phù hợp với từng đối tượng dân chúng. Cho đến ngày nay Phật giáo Nhật Bản có khoảng 13 tông phái chính, là tôn giáo lớn thứ 2 ở Nhật Bản với khoảng 34% dân số là tín đồ.
Thiên Chúa Giáo Thánh Phanxico Savier từ Ấn Độ đến Nhật Bản vào giữa thế kỷ 16 và mở đầu cho lịch sử Thiên Chúa Giáo tại đảo quốc này.
Một nhà thờ công giáo ở Nhật Bản
Từ thế kỷ 12, lịch sử Nhật Bản tồn tại song song giữa Thiên Hoàng và tầng lớp võ sĩ đạo mà đứng đầu là tướng quân (Shogun), hầu như thế lực và quyền định đoạt mọi sự tập trung trong tay những vị Shogun này. Nhật Bản cuối thế kỷ 16 do Oda Nobunaga nắm giữ quyền lực, ông là người say mê những thứ mới lạ cũng như văn hóa Tây Phương, những người Châu Âu đầu tiên đã đến Nhật Bản thời kỳ này, việc giao thương buôn bán ở khu vực Kyushu(miền Nam nước Nhật) phát triển mạnh và Thiên Chúa Giáo đi vào Nhật Bản cũng bằng con đường đó theo bước chân của nhà truyền giáo Phanxico Savier. Dưới thời Oda, lịch sử Thiên Chúa Giáo ở Nhật Bản được yên ổn phát triển. 1582, Oda Nobunaga bị ám sát, sau một thời gian lộn xộn thì quyền lực rơi vào tay Toyotomi Hideyoshi. Để tránh cho việc quyền lực bị chi phối, Toyotomi Hideyoshi đã trục xuất các giáo sĩ phương Tây ra khỏi lãnh thổ và tiến hành cấm đạo. Năm 1597, 26 giáo sĩ và tín đồ Thiên Chúa Giáo bị xử tử. Lịch sử Nhật Bản tiếp tục bị thay đổi vào cuối thế kỷ 16, quyền lực chuyển sang gia tộc Tokugawa. Cùng với việc đóng cửa đất nước, những cuộc đàn áp đạo Công Giáo ngày càng tàn bạo dưới thời của Tokugawa Ieyasu. Những nông dân Công Giáo miền Nam vốn bất mãn với việc sưu cao thuế nặng và những cuộc đàn áp tôn giáo đã trỗi dậy nổi loạn vào năm 1637 kéo dài gần 4 tháng. Cuộc khởi nghĩa có hơn 27 ngàn người tham gia và phần lớn đã bị tiêu diệt, lịch sử Thiên Chúa Giáo Nhật Bản đi vào những ngày tháng đen tối, những tín hữu còn sót lại tập trung về hòn đảo xa xôi ở miền Nam và gìn giữ đức tin một cách bí mật. Thời kỳ của gia tộc Tokugawa hòa bình là thế nhưng không có bình yên cho người Công Giáo. Rút cục thì đến thế kỷ 19, hơn 250 năm thống trị của gia tộc Tokugawa cuối cùng cũng kết thúc, đóng lại luôn thời kỳ phong kiến. Năm 1868, quyền lực đã được trả lại cho Thiên Hoàng, mở ra thời kỳ Minh Trị, đất nước mở cửa, Thiên Chúa Giáo được tự do hoạt động trở lại. Nhưng đến hôm nay, hơn 150 năm trôi qua, số lượng tín đồ của Giáo Hội Công Gáo Nhật Bản chỉ vỏn vẹn khoảng 536 ngàn người, chiếm khoảng 0.4% dân số (theo số liệu của Vatican). Ở các thành phố lớn có vài ba nhà thờ, còn ở nông thôn thì mấy chục km mới tìm ra được một nhà thờ, các linh mục cũng phần nhiều là người nước ngoài vì Nhật Bản không đủ tu sĩ. Khi tôi còn ở Osaka, nhà thờ của chúng tôi đã xây dựng trên 50 năm rồi, những công trình bằng gỗ bắt buộc phải được sữa chữa hoặc xây dựng lại sau một thời gian nhất định để đảm bảo an toàn. Rất nhiều cuộc họp được đưa ra để mọi người quyết định: đóng góp xây dựng lại nhà thờ hoặc đóng cửa nhà thờ và đi tham dự lễ ở giáo xứ khác. Các cụ già, những người vốn gắn bó gần nửa đời người với ngôi thánh đường sẵn sàng bỏ ra số tiền khá lớn để khôi phục lại ngôi nhà tâm linh của họ, nhưng nhiều người cũng đặt ra câu hỏi: chúng tôi xây dựng lại nhà thờ này cho ai vì sớm muộn gì khi chúng tôi qua đời cũng không có người kế tục? Đó là một thực tế buồn của Giáo Hội Nhật Bản, những nhà thờ không có người trẻ, rồi ai sẽ gìn giữ tiếp ngôi thánh đường của họ ?
** Ở Nhật, hiện tại việc theo đạo kiểu truyền thống cả gia đình không nhiều, thường thì Tôn Giáo là quyết định cá nhân của từng người nên việc trong gia đình chỉ có một người theo đạo Thiên Chúa Giáo còn các thành viên khác theo Thần Đạo hoặc đạo Phật cũng khá phổ biến. Việc kết hôn cùng tôn giáo là không bắt buộc, các linh mục sẵn sàng làm lễ cưới ở nhà thờ cho các cặp đôi dù người còn lại không theo đạo Công Giáo.
Một số thành viên cùng cha xứ của nhà thờ Hirano, Osaka
Bên trong nhà thờ chính tòa Osaka
Một sự kiện vào mùa hè của nhà thờ Hirano, Osaka
Annjourney.com
Tokyo, June,2020