Home BLOG CHÂU Á
Category:

CHÂU Á

Ấn Độ Độc Hành, phần 2: Thành phố thiêng Varanasi.
Rate this post

Varanasi là thành phố cổ xưa của thế giới. Đối với người Ấn Độ, đây là thành phố thiêng, nơi có vườn lộc uyển Sarnath là một trong bốn thánh địa của Phật Giáo, cách đó không xa, sông Hằng là thánh địa của người Hindu vốn chiếm gần 80% dân số Ấn.

            Lễ sáng bên bờ sông Hằng

Mỗi buổi sáng lúc trời còn tờ mờ và sương vẫn phủ đầy trên bến sông là lúc các thầy cúng tiến hành nghi lễ đón mặt trời. Mỗi buổi chiều sau khi mặt trời lặn sẽ có lễ lửa, dưới sông là hàng trăm chiếc thuyền của các tín đồ Hindu trên khắp Ấn Độ hành hương về đây. Đối với người Hindu, được chết ở Varanasi là một ân huệ, rất nhiều những người Hindu có điều kiện từ khắp Ấn Độ đổ về đây để chờ tới ngày được lìa đời ở vùng đất Thánh này. Mỗi ngày vài trăm xác chết của người Hindu từ khắp cả nước được đưa về bãi thiêu Manikarnika ghat bên bờ sông Hằng, thực hiện những nghi lễ của việc hỏa táng mà cha ông họ đã duy trì từ hàng nghìn năm nay. Những người kém may mắm hơn sẽ được hỏa táng ở quê nhà và người thân sẽ mang tro cốt của họ về rải trên sông Hằng. Đối với người Hindu, ước nguyện cuối cùng của họ là kết thúc cuộc đời mình trong lòng sông Hằng, đó là việc rất hệ trọng không, có gì phải bàn cãi.

           Sông Hằng vào buổi sáng

 Một góc của bãi thiêu xác Manikarnika

Một chú bò đi trong hẻm nhỏ

Cầu kinh bên bờ sông Hằng

Một bến sông 

Chợ bên bờ sông Hằng

Chợ bên bờ sông Hằng

Cuộc sống bên bờ sông Hằng

Tôi ở Varanasi một tuần lễ, ngoài việc mỗi ngày 2 tiếng đi học múa thì thời giờ còn lại hầu như lang thang ngoài bến sông, đứng nhìn những đám củi bốc cháy từ bãi thiêu xác. Những người đàn ông trong gia đình phụ trách việc này, không cờ hoa kèn trống, cũng không có phụ nữ và những tiếng khóc than. Giai đoạn cuối cùng của buổi thiêu xác cho đến khi rải tro xuống sông Hằng do những người thiêu xác đảm nhiệm. Thời khắc quan trọng này gia đình sẽ lánh mặt để người chết có thể thanh thản siêu thoát.

Thực ra, một buổi thiêu xác trên sông Hằng không đáng sợ, rùng rợn như mọi người vẫn tượng tưởng. Chỉ như là một thủ tục để chuyển giao giữa cuộc đời trần tục để đi vào một thế giới khác.

Cách bãi thiêu không xa, những tín đồ nhiệt thành của đạo Hindu kính cẩn tắm gội và ngụp lặn dưới sông, vài thầy tu khổ hạnh đang ngồi thiền và những người khác rì rầm cầu kinh. Phía bên trên, chợ búa đầy màu sắc và lễ hội vẫn diễn ra náo niệt. Đi tiếp thêm một đoạn nữa là la liệt những bãi giặt giũ và việc phơi phóng được thực hiện ngay trên bờ sông,  tất nhiên là tấm trải giường ở khách sạn tôi đang ở cũng được giặt giũ ở đây. Đường sá trong khu phố cổ lem luốc đủ mọi thứ rác rưởi, các con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo không tên.  Những con bò thản nhiên đi lại, người ta phải lách chúng mà đi, phân bò sẽ được gom lại phơi khô để làm chất đốt. Mùi từ bãi thiêu xác, mùi nhang khói, mùi phân bò, mùi cà ri, mùi của sự cũ kỹ và chật chội, tất cả những thứ ấy gộp lại là mùi của Varanasi. Dưới kia mẹ sông Hằng ôm vào lòng những tình yêu, những hận thù, những bao dung những sân si của những kiếp người đã qua và cả những ước mong được gột rửa, được hướng thiện của những người còn sống.  Varanasi là một thành phố huyền bí và kỳ lạ, là nơi của những người đi tìm cái chết và cũng là nơi của những người đi tìm lẽ sống.

Việc giặt giũ trên sông Hằng

       Cuộc sống bên bờ sông Hằng

       Cuộc sống bên bờ sông Hằng

       Cuộc sống bên bờ sông Hằng

 

Annjourney.com

Varanasi, Mar.2020

 

0 comment
0 FacebookTwitterGoogle +PinterestEmail
Ấn Độ độc hành, phần 1: Những người bạn mới bên sông Hằng
5 (100%) 4 votes

Tôi gặp Thắm khi cả hai cùng đứng xếp hàng để nhập cảnh vào Ấn Độ,  tôi quên không ghi lại số điện thoại khách sạn, còn chú hải quan thì bảo không có số điện thoại, khỏi nhập cảnh, mà lúc đó lại không có wifi. Thắm xếp hàng phía sau bảo lại đây em tìm cho chị, thế là quen nhau rồi túm lấy nhau nói chuyện như tri kỷ từ kiếp trước suýt tí nữa thì trễ máy bay. Đến sân bay Varanasi thì chia tay nhau mỗi người một hướng, Thắm đi tiếp lên Delhi, tôi ở lại Varanasi 1 tuần.  Ở Varanasi được 2 bữa thì tôi chợt nghĩ đến chuyện đi học múa Ấn Độ, thế là tôi đi ra bờ sông Hằng thì tìm được một tay cò mồi, hắn bảo sẽ dẫn tôi đi qua nhà cô giáo dạy múa hắn quen. Varanasi ấy mà, một trong những thành phố cổ nhất của thế giới, là thánh địa của người Hindu, nhưng cũng là chốn làm ăn của những tay mồi chài, buôn bán, lừa lọc… Bạn cần cái gì? Cứ bước ra bờ sông, chỗ gần cái chợ ấy, sẽ có rất nhiều những anh chàng rỗi rãi nói đủ thứ tiếng sà đến để đáp ứng bất kỳ yêu cầu nào của bạn, tất nhiên hãy cẩn thận với túi tiền của mình. Còn nếu bạn có đủ thông tin, biết cần phải đi đâu, gặp ai thì tốt nhất nên tránh xa đội quân này. Quay lại chuyện anh chàng dẫn đường, tôi đi theo anh ta qua những ngõ hẻm bé tí đầy cứt bò mà lòng hoang mang lo sợ, đến trước một cái chung cư tồi tàn cũ kỹ anh ta kéo cửa đi vào, không có điện ở cầu thang, chỉ có một chút ánh sáng bên ngoài hắt vào lối đi tăm tối. Lên đến tầng 3 anh ta gõ cửa phòng, một cô gái trẻ mở cửa và mỉm cười, tôi thở phào nhẹ nhõm.  Sau khi đã bàn giao tôi cho cô giáo cũng như nhấn mạnh lại số tiền cần phải trả thì tay cò mồi ra đi, tôi ở lại học với cô giáo. Cứ thế mỗi buổi sáng tôi đến học 2 tiếng đồng hồ. Cô giáo thực ra nhỏ hơn tôi 3 tuổi, ở với em gái và bố. Cô giáo múa rất đẹp và sau một hồi đảo mắt quan sát hằng hà sa số các huy chương được đặt trong tủ kính thì tôi nhanh chóng kết luận là cô giáo đã đạt rất nhiều thành tích tốt về việc nhảy múa. Trước khi ra về cô giáo hỏi tôi thích ăn cà ri gì? (hẳn là cà ri, không có lựa chọn khác)Tôi nói là muốn ăn cà ri có thịt, thế là sáng hôm sau trước buổi học, cô giáo mang ra cho tôi và một bạn người Hàn mới đến mỗi đứa một chén cà ri gà do cô nấu. Gần một tuần lễ trôi qua êm đẹp, buổi học cuối cùng cô giáo vẽ hena lên tay cho tôi, chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau đến tận trưa rồi cô giáo bịn rịn ôm tôi chào tạm biệt.

Chị em cô giáo dạy múa và một bạn người Hàn.

 

Cậu bé chèo thuyền trên sông Hằng

Một gia đình bán vải ở Varanashi

Tôi về khách sạn thì có một bạn Thổ Nhĩ Kỳ theo đạo hồi mới đến, bạn rút ra cho tôi một gói kẹo, tôi lôi trong ba lô ra cho bạn một gói phở gà (tôi phải nhấn mạnh 3 lần là đây là gà không phải là bò thế là bạn mới mạnh dạn cầm lấy). Sau thủ tục chào hỏi để làm vui lòng cái bao tử của hai phía thì chúng tôi lao vào nhau nói chuyện với sự trợ giúp đắc lực của google translate dịch từ tiếng Thổ ra tiếng Nhật. Rồi tôi dắt bạn ra bờ sông Hằng xem các thầy cúng làm lễ. Bạn chỉ cho tôi những điệu múa của người Thổ, hai đứa nhảy múa giao lưu ngoài bờ sông đến khi quá mệt thì kéo nhau về khách sạn.

Cô bạn người Thổ Nhĩ Kỳ

Buổi tối, Thắm từ Delhi về Varanasi và chạy lên khách sạn thăm tôi vì ngày mai tôi sẽ xuống miền Nam Ấn Độ. Hai đứa tôi ngồi trên sân thượng, nhìn xuống những bãi thiêu xác còn nghi ngút khói dưới sông Hằng. Chúng tôi nói về những ước mơ thời thơ bé và những cơ duyên trong cuộc đời. Cuộc đời này thật là kỳ diệu, dù cho nó có quăng quật chúng ta thế nào, nhưng chỉ cần mình thực sự muốn thì những giấc mơ sẽ trở thành sự thật. Việc đi đây đó một mình luôn cho tôi nhiều thời giờ để suy nghĩ, nhiều cơ hội để gặp gỡ những người bạn mới và từng người từng người sẽ chỉ cho tôi thêm về sự bao la của bầu trời. Đó là một buổi tối mùa xuân, sương vẫn rơi trên những mái nhà cổ kính, gió thổi lành lạnh, dưới kia sông Hằng vẫn chảy như ngàn năm nay vẫn thế, những xác chết bên kia sông vẫn âm ỉ cháy. Phận người là cát bụi sẽ về với cát bụi!

Annjourney.com

Varanasi Mar.2020

 

 

0 comment
0 FacebookTwitterGoogle +PinterestEmail
Ấn Độ độc hành , phần 3: GOA- một Ấn độ khác
5 (100%) 1 vote

Goa khác với tất cả những phần khác của Ấn Độ, nơi mà người Bồ Đào Nha thống trị một thời gian dài từ thế kỷ 16 đến 20, để lại nơi này nhiều di sản pha trộn về ẩm thực, văn hoá, giáo dục, kiến trúc và quan trọng nhất là di sản về tôn giáo. Khi mà cả Ấn Độ chưa đến 1.6% là Thiên Chúa Giáo thì ở Goa có gần 30 % dân số là TCG với rất nhiều những ngôi nhà thờ chạy dài khắp các làng quê.

Một ngôi nhà ở khu old Goa


Ngày còn nhỏ, tôi có đọc một cuốn sách của một linh mục, ngài nói về cuộc hành trình của mình đến Ấn Độ để đi viếng mộ thánh Phanxico Savie ở Goa. Ngày ấy, trong hình dung của tôi, Goa là một thành phố biển bình yên đẹp đẽ với rất nhiều ngôi nhà thờ màu trắng và tôi đã mong ước có một ngày được đến Goa. Ngày tháng trôi đi, có quá nhiều chỗ trên thế giới này mà tôi muốn đến, mơ ước được đi Goa cứ thế chìm trôi vào quên lãng. Rồi tình cờ cuối năm ngoái, một người bạn nói về Ấn Độ, thế là ước mơ ngày thơ bé ùa về, tôi quyết tâm đặt vé để lên đường.  
Sau khi đi Varanasi, tôi đáp tiếp máy bay đi Goa,  sau nhiều giờ delay và transit ở Bombay, tôi cũng đến được Goa.

Bãi biển ở Goa

Bãi biển ở Goa

Một quán cafe bên bãi biển 

 Bãi biển ở Goa

Hoàng hôn trên biển ở Goa


Goa không mang dáng vẻ gì của Ấn Độ cả, kể cả phụ nữ cũng ăn mặc theo lối Tây phương, những ngôi nhà Tây phương, những thánh đường Tây phương và nhiều những tiệm bán rượu… Người Ấn ở đây nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh, như thể cần chứng tỏ cho những người Ấn xứ khác hiểu rằng người Goa thuộc về một đẳng cấp khác, một văn hoá khác.

Tôi ở phía Bắc của Goa một ngày, sau đó chuyển xuống gần biển Baga ở trong một ngôi nhà tên là Woke hostel có kiến trúc Bồ Đào Nha với 170 năm lịch sử, quoanh ngôi nhà là những bức tường vôi trắng và khu vườn xanh mát. Buổi sáng tôi ngồi chơi trên cái võng ngoài vườn, dưới tán những cây xoài, cây mận, chim chóc tranh nhau hót và con mèo vẫn ngủ dưới những vạt nắng sớm. Người phụ trách ngôi nhà là một cô gái người Ấn nhã nhặn và duyên dáng, cô ôm tôi khi chia tay và bảo nếu có dịp thì lại đến nhé. Rồi tôi di chuyển về khu Old Goa để đi tìm những ngôi nhà thờ cổ màu trắng và đi thăm thi hài thánh Phanxico Savier, người anh hùng đã  đi gieo hạt giống tin mừng về phương Đông hơn 400 năm trước. 

Thánh giá trước nhà thờ Bom Jesus, bên trong nhà thờ lưu giữ thi hài thánh Phancico Savier

Bàn thờ nơi đặt thi hài thánh Phanxico Savier

Nhà thờ Đức Mẹ đồng trinh ở Old Goa

Nhà thờ chính toà Se

Khuôn viên sau lưng nhà thờ chính toà Se 

0 comment
0 FacebookTwitterGoogle +PinterestEmail

CHUYỆN Ở HÀ NỘI

by Hoang Ha Anh
Rate this post

Buổi sáng thức dậy giữa Hà Nội cổ kính, chạy ra tiệm tạp hoá phía trước xin thùng giấy để gởi đồ về cho mẹ thì chú bán hàng bảo chỉ có cái thùng to đùng này thôi, mang cả đồ qua đây chú đóng cho, thế là hì hục cắt dán cho mình 15 phút sau đưa tiền chú bảo làm giúp cho chứ tiền bạc gì. Tối nay đang đứng đợi xe bus ra sân bay ở số 3 hàng muối thì có anh kia chạy xe hơi 7 chỗ đến hỏi ra sân bay hả em, 50k lên anh chở, anh đang trên đường ra sân bay, ôi giai Hà Nội giọng ngọt như mía lùi thế là chả hiểu ma xui quỷ khiến thế nào gật đầu leo lên. Leo lên xe đóng cửa xong mới sực nhớ ôi mẹ ơi, nếu là bắt cóc buôn người mổ bụng bán nội tạng thì biết làm thế nào bây giờ? giữa chốn phồn hoa xô bồ này ai biết ai là ai! Nhưng mà nói chuyện một hồi mới biết ảnh lái xe ra sân bay đón sếp Nhật từ SG bay ra (quoanh đi quẩn lại cũng là Nhật bổn). Xong 2 anh em nói chuyện văn hoá Bắc Nam vui ơi là vui. Rồi đến sân bay mình bảo dừng phía ngoài đường em tự đi bộ vào để anh khỏi tốn tiền vé thế là anh ấy bảo thôi không lấy tiền xe luôn, tặng em một cuốc xe làm quà nhưng mình vẫn cứ trả, rồi chúng mình tạm biệt nhau. Mình nhớ 8 năm trước, cũng một buổi tối muộn như vậy, mình đón taxi từ trung tâm SINGAPORE ra sân bay để lần đầu tiên đi Nhật. Bắt đầu một ngả rẽ mới cho cuộc đời, lòng mình nhiều hỗn mang, lo lắng. Tài xế hỏi mình từ đâu tới, giờ bay đi đâu? nói chuyện với tài xế cả chặng đường, tự dưng thấy bớt hoang mang và vui trở lại. Rồi xuống xe, ổng đưa lại cho mình 5usd Sing nói tặng cháu uống nước trong sân bay đó, cố gắng lên nha, mình thấy tình người thật là tốt đẹp. Cảm ơn cuộc đời đã cho mình nhiều cơ hội để đi qua nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người. Nhiều khi trong cuộc đời này, mỗi người chỉ gặp nhau có một lần thôi, nhưng người ta vẫn hào sảng với nhau, vẫn tận tình với nhau, rộng lòng với nhau để gieo vào lòng nhau những điều tốt đẹp và lan tỏa tình yêu thương.

Hanoi, Dec.2018

annjourney.com

0 comment
0 FacebookTwitterGoogle +PinterestEmail

DẪN KHÁCH ĐI PHƯỢT BANGKOK

by Hoang Ha Anh
Rate this post

Tháng 12 bỏ hẳn mấy kèo thơm để dẫn 2 khách quen người Nhật đi Đông Nam Á. Sau chuyến đi Thụy Sỹ về giống như được khai sáng ra. Giờ nghèo thì nghèo chứ tour nào vui là tụ vào, ít tiền cũng được, miễn mình vui và khách cũng vui. Lần này bay từ Tokyo mất hẳn 7 tiếng.

Cuối cùng thì cũng đến được sân bay Donmuong nơi chứng kiến những cuộc chia ly suốt 10 năm trời yêu đương tình ái của mình ngày còn trẻ. Mai khách mới tới nên hôm nay rất rảnh, dạo một vòng quoanh sân bay ôn lại kỷ niệm xưa, xong phát hiện ra cái food court thần thánh ngon bổ rẻ mà dân phượt hay nói tới trên tầng 2 bên phía sân bay quốc nội. Lao vào liền, nhìn quoanh thấy các anh chị tiếp viên ăn rất nhiệt tình nên mình cũng quất hẳn 2 phần ăn và một tráng miệng tổng thiệt hại chỉ có 140 bath (hình như chưa tới 5usd). Dù nhìn bình dân nghèo khổ nhưng rất ngon và quan trọng là sau khi ăn không bị đau bụng. Sau đó đi ra ga trước sân bay mua vé về Bang Sue, 20 bath (platform số 1). Đến Bang Sue thì đi qua ga MRT bắt tàu đi  chaktuchak 19 bath (platform số 1). Sau đó đi bộ qua ga BTS Mochit mua vé đi Nana 44 bath (platform số 1). Về tới khách sạn lập tức lao ra Terminal 21, lên Food court trên tầng 4, trên ấy ngoại trừ món salad đu đủ ra cái gì cũng ngon mà rẻ nữa.

Về tới ga Nana phát hiện ra quầy đổi tiền supper rich tỉ giá rất tốt mỗi 100 usd chênh tỉ giá sân bay tầm 130 bath.

Theo yêu cầu của khách: đi những chỗ local, chủ yếu để coi người dân ăn ở, sinh hoạt vui chơi, để có cái nhìn tổng thể về Bangkok, không đi nhiều, không thích đến chỗ nào chen chúc nhiều khách du lịch.

Dưới đây là quick note cho chương trình 3 ngày ở BăngKok

Ngày 1:Từ sân bay về đến khách sạn, đi chợ đêm Ratchada Rot Fai Night Mảrket (mở cửa hàng ngày), bán đủ các loại từ quần áo đến ăn uống, cực vui, gần bến tàu nên đi tàu sẽ tiện hơn, đi  taxi kẹt xe kinh khủng.

Ngày 2: đi tàu xuống Chína town, dưới này sầu riêng bán rẻ hơn chợ đêm rất nhiều, đồ ăn đường phố cũng nhiều mà rẻ nữa. Xong đi tuk tuk qua Khaosan uống bia rồi đi qua chùa watpo, chùa có tượng phật nằm rất lớn, khuôn viên chùa rất rộng, đi hết một vòng mệt rũ rượi ra. Chùa nổi tiếng về massage nên rất đông, phải đợi tầm 30 phút nên thôi mình không thử. Từ chùa Watpo đi bộ ra bến tàu Tha Tien, sau đó trả 4bath đi phà qua bên kia sông, đến bến số 1 bắt tàu khác đi Wat Rajsingkorn, ở đó có bến cảng cũ giờ là nơi buôn bán sầm uất, giá cả tạm được, riêng khu vực night market khá đắt. Bọn mình ăn tối ở nhà hàng nhìn ra bờ sông tên là Ko Dang Talay, giá cũng khá cao nhưng ngon, khách của mình là 2 đầu bếp khó tính, dẫn đi bao nhiêu nhà hàng ngon ở Việt Nam đều chê hết mà chỗ này khen được, cá nhân mình thấy món curry xanh nấu tôm và măng ăn với cơm trắng rất ngon, món sò huyết trộn các loại herbs cũng ngon, nói chung đáng tiền. Ăn xong gọi Grab về lại Khusumvit có 200 bath à.

Day 3: Sáng kéo nhau đi nhà thờ Holy Redemmer, có lễ tiếng Anh 7AM và 8AM. Xong lễ đi bộ về khách sạn vừa đi vừa ngó nghiêng hàng quán xung quoanh. Về khách sạn check out xong để hành lý ở đó rồi đi ăn trưa. Khách  ở Ks Movempick có xe tuk tuk chạy liên tục chở khách ra Terminal 21, đỗ xe ở tầng G, cổng B1. Termimal 21 có foodcourt trên tầng 5, rất ngon và rẻ, dưới tầng hầm có siêu thị bán đồ lưu niệm nhiều lắm, ngoài sầu riêng sấy nay phát hiện ra món kẹo dừa đen thui cuốn trong cái lá gì đó rất là ngon và dễ gây nghiện nhưng không có chất bảo quản nên mua xong ăn liền hoặc bỏ tủ lạnh chứ không sẽ bị mốc. Sau đó lên tầng 6 coi phim giết thời gian, xong chạy xuống tầng G về ks lấy hành lý rồi lại đi tuk tuk của ks ra Terminal 21, xong đi tàu ra sân bay.

Cũng không nhớ đây là lần thứ bao nhiêu mình đến Bangkok, nhưng cũng giống như bao nhiêu lần trước, Bangkok chưa bao giờ làm mình thất vọng. Vui nhộn, sầm uất, đồ ăn ngon, thân thiện và quan trọng là giá cả rẻ và không chặt chém.

Bangkok, Dec.2018
annjourney.com

0 comment
0 FacebookTwitterGoogle +PinterestEmail