Home BLOGCHÂU Á Ấn Độ Độc Hành, phần 2: Thành phố thiêng Varanasi.

Ấn Độ Độc Hành, phần 2: Thành phố thiêng Varanasi.

by Hoang Ha Anh
Ấn Độ Độc Hành, phần 2: Thành phố thiêng Varanasi.
Rate this post

Varanasi là thành phố cổ xưa của thế giới. Đối với người Ấn Độ, đây là thành phố thiêng, nơi có vườn lộc uyển Sarnath là một trong bốn thánh địa của Phật Giáo, cách đó không xa, sông Hằng là thánh địa của người Hindu vốn chiếm gần 80% dân số Ấn.

            Lễ sáng bên bờ sông Hằng

Mỗi buổi sáng lúc trời còn tờ mờ và sương vẫn phủ đầy trên bến sông là lúc các thầy cúng tiến hành nghi lễ đón mặt trời. Mỗi buổi chiều sau khi mặt trời lặn sẽ có lễ lửa, dưới sông là hàng trăm chiếc thuyền của các tín đồ Hindu trên khắp Ấn Độ hành hương về đây. Đối với người Hindu, được chết ở Varanasi là một ân huệ, rất nhiều những người Hindu có điều kiện từ khắp Ấn Độ đổ về đây để chờ tới ngày được lìa đời ở vùng đất Thánh này. Mỗi ngày vài trăm xác chết của người Hindu từ khắp cả nước được đưa về bãi thiêu Manikarnika ghat bên bờ sông Hằng, thực hiện những nghi lễ của việc hỏa táng mà cha ông họ đã duy trì từ hàng nghìn năm nay. Những người kém may mắm hơn sẽ được hỏa táng ở quê nhà và người thân sẽ mang tro cốt của họ về rải trên sông Hằng. Đối với người Hindu, ước nguyện cuối cùng của họ là kết thúc cuộc đời mình trong lòng sông Hằng, đó là việc rất hệ trọng không, có gì phải bàn cãi.

           Sông Hằng vào buổi sáng

 Một góc của bãi thiêu xác Manikarnika

Một chú bò đi trong hẻm nhỏ

Cầu kinh bên bờ sông Hằng

Một bến sông 

Chợ bên bờ sông Hằng

Chợ bên bờ sông Hằng

Cuộc sống bên bờ sông Hằng

Tôi ở Varanasi một tuần lễ, ngoài việc mỗi ngày 2 tiếng đi học múa thì thời giờ còn lại hầu như lang thang ngoài bến sông, đứng nhìn những đám củi bốc cháy từ bãi thiêu xác. Những người đàn ông trong gia đình phụ trách việc này, không cờ hoa kèn trống, cũng không có phụ nữ và những tiếng khóc than. Giai đoạn cuối cùng của buổi thiêu xác cho đến khi rải tro xuống sông Hằng do những người thiêu xác đảm nhiệm. Thời khắc quan trọng này gia đình sẽ lánh mặt để người chết có thể thanh thản siêu thoát.

Thực ra, một buổi thiêu xác trên sông Hằng không đáng sợ, rùng rợn như mọi người vẫn tượng tưởng. Chỉ như là một thủ tục để chuyển giao giữa cuộc đời trần tục để đi vào một thế giới khác.

Cách bãi thiêu không xa, những tín đồ nhiệt thành của đạo Hindu kính cẩn tắm gội và ngụp lặn dưới sông, vài thầy tu khổ hạnh đang ngồi thiền và những người khác rì rầm cầu kinh. Phía bên trên, chợ búa đầy màu sắc và lễ hội vẫn diễn ra náo niệt. Đi tiếp thêm một đoạn nữa là la liệt những bãi giặt giũ và việc phơi phóng được thực hiện ngay trên bờ sông,  tất nhiên là tấm trải giường ở khách sạn tôi đang ở cũng được giặt giũ ở đây. Đường sá trong khu phố cổ lem luốc đủ mọi thứ rác rưởi, các con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo không tên.  Những con bò thản nhiên đi lại, người ta phải lách chúng mà đi, phân bò sẽ được gom lại phơi khô để làm chất đốt. Mùi từ bãi thiêu xác, mùi nhang khói, mùi phân bò, mùi cà ri, mùi của sự cũ kỹ và chật chội, tất cả những thứ ấy gộp lại là mùi của Varanasi. Dưới kia mẹ sông Hằng ôm vào lòng những tình yêu, những hận thù, những bao dung những sân si của những kiếp người đã qua và cả những ước mong được gột rửa, được hướng thiện của những người còn sống.  Varanasi là một thành phố huyền bí và kỳ lạ, là nơi của những người đi tìm cái chết và cũng là nơi của những người đi tìm lẽ sống.

Việc giặt giũ trên sông Hằng

       Cuộc sống bên bờ sông Hằng

       Cuộc sống bên bờ sông Hằng

       Cuộc sống bên bờ sông Hằng

 

Annjourney.com

Varanasi, Mar.2020

 

You may also like