Tôi gặp Thắm khi cả hai cùng đứng xếp hàng để nhập cảnh vào Ấn Độ, tôi quên không ghi lại số điện thoại khách sạn, còn chú hải quan thì bảo không có số điện thoại, khỏi nhập cảnh, mà lúc đó lại không có wifi. Thắm xếp hàng phía sau bảo lại đây em tìm cho chị, thế là quen nhau rồi túm lấy nhau nói chuyện như tri kỷ từ kiếp trước suýt tí nữa thì trễ máy bay. Đến sân bay Varanasi thì chia tay nhau mỗi người một hướng, Thắm đi tiếp lên Delhi, tôi ở lại Varanasi 1 tuần. Ở Varanasi được 2 bữa thì tôi chợt nghĩ đến chuyện đi học múa Ấn Độ, thế là tôi đi ra bờ sông Hằng thì tìm được một tay cò mồi, hắn bảo sẽ dẫn tôi đi qua nhà cô giáo dạy múa hắn quen. Varanasi ấy mà, một trong những thành phố cổ nhất của thế giới, là thánh địa của người Hindu, nhưng cũng là chốn làm ăn của những tay mồi chài, buôn bán, lừa lọc… Bạn cần cái gì? Cứ bước ra bờ sông, chỗ gần cái chợ ấy, sẽ có rất nhiều những anh chàng rỗi rãi nói đủ thứ tiếng sà đến để đáp ứng bất kỳ yêu cầu nào của bạn, tất nhiên hãy cẩn thận với túi tiền của mình. Còn nếu bạn có đủ thông tin, biết cần phải đi đâu, gặp ai thì tốt nhất nên tránh xa đội quân này. Quay lại chuyện anh chàng dẫn đường, tôi đi theo anh ta qua những ngõ hẻm bé tí đầy cứt bò mà lòng hoang mang lo sợ, đến trước một cái chung cư tồi tàn cũ kỹ anh ta kéo cửa đi vào, không có điện ở cầu thang, chỉ có một chút ánh sáng bên ngoài hắt vào lối đi tăm tối. Lên đến tầng 3 anh ta gõ cửa phòng, một cô gái trẻ mở cửa và mỉm cười, tôi thở phào nhẹ nhõm. Sau khi đã bàn giao tôi cho cô giáo cũng như nhấn mạnh lại số tiền cần phải trả thì tay cò mồi ra đi, tôi ở lại học với cô giáo. Cứ thế mỗi buổi sáng tôi đến học 2 tiếng đồng hồ. Cô giáo thực ra nhỏ hơn tôi 3 tuổi, ở với em gái và bố. Cô giáo múa rất đẹp và sau một hồi đảo mắt quan sát hằng hà sa số các huy chương được đặt trong tủ kính thì tôi nhanh chóng kết luận là cô giáo đã đạt rất nhiều thành tích tốt về việc nhảy múa. Trước khi ra về cô giáo hỏi tôi thích ăn cà ri gì? (hẳn là cà ri, không có lựa chọn khác)Tôi nói là muốn ăn cà ri có thịt, thế là sáng hôm sau trước buổi học, cô giáo mang ra cho tôi và một bạn người Hàn mới đến mỗi đứa một chén cà ri gà do cô nấu. Gần một tuần lễ trôi qua êm đẹp, buổi học cuối cùng cô giáo vẽ hena lên tay cho tôi, chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau đến tận trưa rồi cô giáo bịn rịn ôm tôi chào tạm biệt.
Chị em cô giáo dạy múa và một bạn người Hàn.
Cậu bé chèo thuyền trên sông Hằng
Một gia đình bán vải ở Varanashi
Tôi về khách sạn thì có một bạn Thổ Nhĩ Kỳ theo đạo hồi mới đến, bạn rút ra cho tôi một gói kẹo, tôi lôi trong ba lô ra cho bạn một gói phở gà (tôi phải nhấn mạnh 3 lần là đây là gà không phải là bò thế là bạn mới mạnh dạn cầm lấy). Sau thủ tục chào hỏi để làm vui lòng cái bao tử của hai phía thì chúng tôi lao vào nhau nói chuyện với sự trợ giúp đắc lực của google translate dịch từ tiếng Thổ ra tiếng Nhật. Rồi tôi dắt bạn ra bờ sông Hằng xem các thầy cúng làm lễ. Bạn chỉ cho tôi những điệu múa của người Thổ, hai đứa nhảy múa giao lưu ngoài bờ sông đến khi quá mệt thì kéo nhau về khách sạn.
Cô bạn người Thổ Nhĩ Kỳ
Buổi tối, Thắm từ Delhi về Varanasi và chạy lên khách sạn thăm tôi vì ngày mai tôi sẽ xuống miền Nam Ấn Độ. Hai đứa tôi ngồi trên sân thượng, nhìn xuống những bãi thiêu xác còn nghi ngút khói dưới sông Hằng. Chúng tôi nói về những ước mơ thời thơ bé và những cơ duyên trong cuộc đời. Cuộc đời này thật là kỳ diệu, dù cho nó có quăng quật chúng ta thế nào, nhưng chỉ cần mình thực sự muốn thì những giấc mơ sẽ trở thành sự thật. Việc đi đây đó một mình luôn cho tôi nhiều thời giờ để suy nghĩ, nhiều cơ hội để gặp gỡ những người bạn mới và từng người từng người sẽ chỉ cho tôi thêm về sự bao la của bầu trời. Đó là một buổi tối mùa xuân, sương vẫn rơi trên những mái nhà cổ kính, gió thổi lành lạnh, dưới kia sông Hằng vẫn chảy như ngàn năm nay vẫn thế, những xác chết bên kia sông vẫn âm ỉ cháy. Phận người là cát bụi sẽ về với cát bụi!
Annjourney.com
Varanasi Mar.2020