NHẬT BẢN
Yunomine hotspring là một khu làng nhỏ thuộc tỉnh Wakayama, được phát hiện từ 1.800 năm trước. Nằm cách núi thiêng Kumano Hongutaisha khoảng 5km, nên từ xa xưa đây được xem như điểm dừng chân để làm sạch thân thể trên con đường hành hương giữa 3 cụm đền của Kumano Sanzan, vì thế đây cũng được xem như dòng nước khoáng nóng linh thiêng.
Khu luộc trứng và rau củ ở làng Yunomine
Trứng luộc khoáng nóng ở làng Yunonine
Điểm đặc biệt nhất của khu làng hotsping này là ở đây có một phòng tắm cổ của nước Nhật và cũng là phòng tắm nhỏ nhất và duy nhất được công nhận di sản văn hóa thế giới. Tsuboyu được hình thành từ hốc đá tự nhiên, vừa đủ cho 2 người ngồi vào. Nước nóng ở đây có nhiều khoáng chất và lưu huỳnh, natri hydro, carbon …rất tốt cho việc làm sạch các bệnh ngoài da , chữa bệnh phong thấp. Tương truyền nước ở đây sẽ đổi màu 7 lần trong một ngày . Vì là một phòng tắm cổ có giá trị lịch sử rất lớn nên việc giữ gìn vệ sinh nguồn nước ở đây hết sức được chú ý, bạn không được phép dùng xà phòng và các loại hóa chất tẩy rửa ở đây, chỉ được tắm bằng nước và bước xuống hồ.
Máy bán vé tự động
Cách sử dụng nhà tắm: bạn mua vé ở quầy bán vé tự động, sau đó đưa cho nhân viên soát vé, nếu phòng tắm có người đang sử dụng bạn phải đợi, sau đó khi phòng trống bạn bước vào,nhớ khóa cửa từ bên trong, tối đa mỗi lần là 2 người, và mỗi lần sử dụng tối đa 30 phút.
Phòng tắm Tsuboyu
Các phòng tắm khoáng nóng có khắp nơi trên nước Nhật, nhưng việc được đắm mình giữa dòng nước linh thiêng trong một hốc đá nhỏ từ xa xưa để tẩy sạch bụi trần là một trải nghiệm bình yên và khó quên trong đời.
Wakayama, June 2017.
annjourney.com
Website và địa chỉ : http://www.tb-kumano.jp/en/onsen/yunomine/
Chị Yên là chủ một công ty du lịch nhỏ ở Việt Nam, chuyên làm những tour độc đáo cho khách Nhật để họ hiểu về Việt Nam theo cách bình dân nhất. Chồng chị là người Nhật cũng mở một quán cari kiểu Nhật tên là Curry Shika ở Sài Gòn hướng đến việc giới thiệu món cà ri được nấu hoàn toàn bằng nguyên liệu tự nhiên cho giới trẻ Việt Nam. Lần này chị mang 2 con trai qua Nhật thăm bà nội và nhờ mình lên một chuyến đi chơi 2 ngày sao cho mấy đứa nhỏ sao cho tụi nhỏ gần gũi thiên nhiên và tránh xa các thứ hiện đại, công nghệ.
Mình chưa bao giờ đưa trẻ con đi cắm trại, mà đặc biệt đứa nhỏ nhất mới 2 tuổi, nhưng chị Yên là người nuôi con theo kiểu thuận tự nhiên, cứ để những đứa bé lớn lên một cách tự nhiên trong tầm kiểm soát, kiểu muốn chơi đất cát bẩn thỉu cứ việc chơi, muốn la hét khóc lóc cứ việc khóc lóc, muốn ăn thì cho ăn, không muốn ăn thì nhịn đói, té ngã tự đứng dậy, vợ chồng chị chỉ can thiệp khi có nguy hiểm, nên đứa nào cũng mạnh khỏe và có tính tự lập cao, thế là mình yên tâm đặt bãi cắm trại ở Yamanashi cho cả nhà.
Bãi cắm trại nằm ngay bên cạnh onsen Hottarakashi huyền thoại, không lỗng lẫy đầu tư tốn kém như những khu onsen khác. Hottarakashi là một onsen nhỏ, đơn sơ nằm trên núi, có hồ tắm trong nhà và ngoài trời, dù là sáng sớm hay chiều tối thì từ trên hồ tắm nhìn xuống bạn sẽ thấy toàn thành phố Yamanashi mà mỗi thời khắc trong ngày sẽ có một vẻ đẹp khác nhau và nếu thời tiết đẹp, có thể thấy cả núi Phú Sĩ.
Ở bãi cắm trại, người ta phân cho mỗi gia đình một khu vực, cứ việc tự do trong khu vực của mình, có đầy đủ nước non và nhà vệ sinh. Món truyền thống khi đi cắm trại là BBQ nhưng nhà chị Yên không thích ăn thịt nên mình xào mì với rau và luộc các loại củ. Tụi con nít lần đầu tiên qua đêm giữa bốn bề rừng núi, lần đầu tiên nhìn thấy những con chim chao liệng trên trời chiều, lần đầu tiên nhìn thấy những con đom đóm bay lập lòe trên cột điện, lần đầu tiên ngủ trong cái lều làm tụi nhỏ rất phấn khích, chúng nó cứ chạy ra chạy vô, nhảy lên nhảy xuống hét hò ầm ĩ rồi lôi các loại mật ra để bôi lên mấy cái cây với niềm hy vọng những con kabuto (bọ cánh cứng) sẽ đến. Nhưng sáng hôm sau chỉ toàn kiến đen và ruồi muỗi bò vào, báo hại người mẹ sắp già 35 tuổi của nó phải chạy ngược chạy xuôi đi tìm một con kabuto tí hon bỏ vào cái lồng để tí nữa thức dậy chúng nó khỏi buồn.
Hai đứa chơi mệt thì tự động bò vào lều đi ngủ, trả lại bầu khôg khí yên tĩnh cho núi rừng, còn người lớn thì bắc ghế ra trước lều rì rầm tâm sự. Ở đây chẳng có máy lạnh, chẳng có quạt máy, chỉ có những cơn gió mùa hè thổi qua đêm vắng. Từ trên cao nhìn xuống, thành phố Yamanashi lỗng lẫy lên đèn, trên trời lấp lánh trăng sao và tiếng ếch nhái than khóc bốn bề.
Yamanashi 08 Aug.2019
annjourney.com
Tôi đến Nikko vào một ngày đầu tháng 9, trời lất phất mưa, u ám và nhiệt độ xuống còn 15 độ C. Do địa hình cao 1.298m so với mực nước biển nên nhiệt độ ở Nikko luôn thấp hơn các vùng khác trên cùng đảo Honshu. Khí hậu thường mát mẻ vào mùa hè nên đây là nơi nghỉ dưỡng lý tưởng cho các gia đình Nhật muốn trốn cái nắng chói chang của mùa hạ.
Từ Tokyo tôi đi tàu Tobu lên đến ga Nikko Tobu, anh bạn tôi đợi ở ga và hai đứa chạy tuốt lên thác Kegon, một trong 3 ngọn thác hùng vĩ của Nhật Bản. Để lên thác Kegon phải đi qua cung đường đèo nguy hiểm bậc nhất thế giới gồm 48 khúc cua gọi là Iroha Zakka, thật may là người ta làm đường một chiều, nên đi lên và đi xuống là 2 đường khác nhau, cũng vì thế mà hiếm khi xảy ra tai nạn dù rằng những khúc cua thực sự rất chóng mặt.
Buổi chiều, chúng tôi chạy xuống lại phía dưới để thăm đền Nikko Toshogu-nơi an nghỉ của đại tướng quân Tokugawa Ieyasu, người mở ra bước ngoặt đầu tiên cho 250 năm thống trị quyền lực của gia tộc Tokugawa, là một trong 3 người hùng của nước Nhật.
Không những thế, cụm công trình đền thờ ở Nikko Toshogu là những kiến trúc xa hoa tốn kém mà đại diện tiêu biểu là cổng Yomeimon , biểu tượng của Nikko Toshogu với tập hợp 500 hình chạm trổ mô tả về những giai thoại ngày xưa, được mệnh danh là cổng đền thờ đẹp nhất Nhật Bản.
Cổng Yomeimon
Vì quên mang theo thẻ hướng dẫn nên bị trả tiền vé vào cổng là 1.400 yen. Huhu. Vì là công trình xa hoa tốn kém nên vé vào cổng cũng vì thế mà đắt hơn các địa điểm khác. Lần này không lên được đến mộ tướng quân vì trời đã chiều và sắp đến giờ đóng cửa nên tôi chỉ đi một vòng phía dưới , mua thêm 2 cuốn tài liệu của Nikko Toshogu làm quà kỷ niệm rồi lại tất tả đón tàu trở về Tokyo.
Nikko, summer 2017
annjourney.com
Mùa hè năm 2017, tôi cùng một người bạn thuê xe chạy từ Osaka xuống Ise rồi đi từ Ise đi Kumano tìm theo dấu chân những người hành hương ngày xưa … (thực ra ngày xưa người ta hành hương qua con đường cổ đạo, còn ngày nay đi xe hơi bằng đường quốc lộ )
Theo truyền thuyết, Kumano là vùng đất linh thiêng, nơi ngự trị của thánh thần, các linh hồn đã chết sẽ qui tụ về đây để đi qua cánh cửa vào vùng cực lạc. Với niềm tin đó, từ xa xưa người Nhật đã coi đây là vùng đất thiêng để hành hương, khởi đầu là Thiên Hoàng và gia tộc, về sau giới quý tộc cũng bắt đầu những cuộc hành hương rồi lan rộng xuống tầng lớp bình dân. Người ta vượt núi trèo đèo, vượt cả hiểm nguy để đến Kumano, đến gần miền cực lạc, và con đường cổ đạo Kumano được hình thành từ đó.
Vào thời Edo (khoảng 400 năm trước), việc hành hương đã trở nên phổ biến nên người ta đã bắt đầu lát đá những con đường hành hương này để tránh sạt lở vào mùa mưa, tất nhiên công việc này hoàn toàn thủ công và không có máy móc hỗ trợ. Trong 5 con đường cổ đạo ở Kii thì chặng Ise là trục đường chính (dài 170km) nối Ise jingu và Kumano sanzan.
Đường từ Ise đến Kumano là một cung đường tuyệt đẹp (ý tôi là những con đường quốc lộ dành cho xe hơi mà chúng tôi đã đi qua). Đó đây rải rác trên đường có các biển chỉ dẫn để đi vào con đường cổ, tất nhiên chỉ có thể đi bộ trên những con đường bằng đá này. Xe chạy qua biết bao núi non chập chờn xanh ngắt, những dòng sông nhỏ hiền hòa, những cột khói bốc lên từ những ngôi làng nhỏ.
Trên đường từ Ise về Kumano
cắm trại bên bờ suối gần Kumano Taisha
Chúng tôi cắm trại bên bìa rừng, cạnh bờ suối gần Kumano Hongu Taisha, ngủ dưới những tán lá phong và nghe tiếng nước suối chảy êm đềm trong đêm, từ trong lều nhìn ra thấy những ngôi sao nhỏ chiếu sáng trên bầu trời, thật là một đêm mùa hè thanh bình. Buổi sáng, chim chóc hót loạn xạ trên mấy cây phong, ở đây cũng có nhiều cây dẻ nữa và nắng chiếu lấp lánh qua những tán lá. Chúng tôi ngồi trên bãi cỏ ăn sáng, ngắm nhìn mấy đứa trẻ câu cá và vui đùa ngoài suối. Khi mặt trời lên cao, chúng tôi nhổ trại và đi vào làng Yuimine, nơi dừng chân của những người hành hương, vốn nổi tiếng với phòng tắm cổ Tsunobu được công nhận di sản văn hóa thế giới. Sau khi đã tắm táp sạch sẽ chúng tôi lái xe đến Hongu Taisha, đỗ xe ở gần bờ sông nơi trước đây từng là địa điểm của Hongu Taisha, về sau do lụt lội nên đền được dời lên vị trí cao hơn gần đó. Cổng tori trước đền bằng gỗ, được mang về từ Kyushu, to cao và uy nghiêm. Trong đền sẽ thấy rất nhiều tượng quạ 3 chân, vốn được xem là linh vật đã dẫn đường cho Thiên Hoàng quay về khi ngài hành hương nơi đây.
Trong các poster quảng cáo về Kumano sẽ thấy có các hố tắm onsen lộ thiên bên dòng sông, thực ra, nó chỉ được hoạt động vào mùa đông, khi trời trở lạnh. Rời Kumano, chúng tôi về lại Osaka bằng con đường ven biển băng qua thành phố Wakayama, trời chiều phủ lên làng mạc một màu bàng bạc hiu hắt cuối ngày, và bên kia, hoàng hôn đỏ rực trên mặt biển.
Kumano, June 2017
annjourney.com
NIKKO TOSHOGU, NƠI YÊN NGHỈ CỦA ĐẠI TƯỚNG QUÂN TOKUGAWA IEYASU.
I Tokugawa Ieyasu (1543-1616) người mở ra bước ngoặt đầu tiên cho 250 năm thống trị quyền lực của gia tộc Tokugawa, ông được xem là đại tướng quân, người hùng, mang lại sự bình yên thịnh vượng cho bá tánh trong suốt những năm tháng nắm quyền. Sau khi mất, ông được thần thánh hóa như vị thần của hòa bình và các đền thờ vị tướng quân lừng lẫy này được lập nên, tất cả được gọi chung là Toshogu. Vào thời Edo, có khoảng 500 đền thờ Toshogu trên khắp đất nước, nhưng hiện tại số lượng đã giảm còn khoảng 130 đền .
Trong rất nhiều đền thờ Toshogu, có 2 nơi đặc biệt nhất, đó là:
- Đền thờ Kunozan Toshgu (1617), thuộc núi Kunozan, tỉnh Shizuoka: đây là quê hương của Tokugawa Ieyasu. Những năm tháng cuối đời, Tokugawa Ieyasu lui về sống ở đây và sau khi qua đời, ông được an táng trong ngôi đền này. Vì thế, có thể xem đây là ngôi đền Toshogu đầu tiên của Nhật Bản.
- Nikko Toshogu, thuộc tỉnh Tochigi (1617): theo nguyện vọng của Tokugawa Ieyasu trước khi mất, ông muốn người kế tục sẽ xây dựng một ngôi chùa nhỏ ở Nikko vào ngày giỗ đầu của mình. Vì thế, ngôi đền đã được xây dựng vào năm 1617, và sau đó thi hài của Tokugawa Ieyasu đã được cải táng về đây và an nghỉ cho tới tận bây giờ.
Mộ của tướng quân Tokugawa Ieyasu tại Nikko Toshogu
Nikko Toshogu là một cụm các công trình kiến trúc cực kỳ tỉ mỉ, xa hoa và tốn kém. Tuy nhiên thời tiết ở Nikko khá đặc biệt, tuyết thường rơi nhiều vào mùa đông và mưa nhiều vào mùa hè, vì thế các kiến trúc chạm trổ sớm bạc màu và phải tu bổ thường xuyên. (Có lẽ đó cũng là lý do mà vé vào cổng rất đắt, 1.300 yên (khoảng 12 USD))
Thật may là hôm tôi đến cổng Yomeimon, cổng thờ đẹp nhất Nhật Bản(được xem như biểu tưởng của Nikko Toshogu) đã trùng tu xong và mở cửa trở lại nên có thể thỏa thích ngắm nhìn 500 bức điêu khắc về những giai thoại ngày xưa được chạm trổ tinh xảo và kỳ công.
cổng Yomeimon
Ngoài những công trình diễm lệ xa hoa thì những hàng cây tuyết tùng 400 năm tuổi đứng sừng sững giữa bầu trời càng làm tăng thêm không khí linh thiêng ở đây, như để nhắc nhở cho chúng ta rằng: đại tướng quânTokugawa Ieyasu vĩ đại đang yên nghỉ tại nơi này.
Nikko, 04/09/2017
annjourney.com
Từ sau trận bão năm ngoái, tuyến cáp treo từ Gokurakubashi lên núi Koyasan bị phá hủy nên việc di chuyển vì thế mà trở nên khó khăn hơn. Từ ga Hashimoto phải mất thêm hơn 1 giờ đồng hồ đi xe trên những con đường nhỏ hẹp ngoằn ngoèo.
Okunoin là nơi linh thiêng nhất Koyasan và là một trong những điểm hành hương chính ở Nhật Bản. Là nơi viên tịch của nhà sư Kukai, một nhân vật tài ba đức độ, là người có công mở rộng và phổ biến Phật Giáo vào Nhật Bản, cũng là người sáng lập ra phái Chân Ngôn Tông (Shingon), một trong những tông phái lớn của Phật Giáo Nhật Bản.
Trên con đường dài 2km, dưới bóng những cây tuyết tùng hàng trăm năm tuổi là con đường mòn lót đá, hai bên đường gần 200 ngàn ngôi mộ của những lãnh chúa phong kiến, những Samurai, những nhà sư…và của những con người danh giá trong lịch sử nước Nhật, họ chọn nơi này với niềm tin ở cạnh Kukai sẽ được Người cứu rỗi.
Con đường dẫn đến Okunoin
Cách gần nhất đề đến Okunoin là ga Okunoin mae, từ đây sẽ đi ngang qua một khu nghĩa trang khá hiện đại mà phần lớn trong số đó thực chất là bia tưởng niệm của các công ty đứng đầu nước Nhật. Nước Nhật từ lâu với văn hóa coi công ty là gia đình, công việc là cuộc sống, các công ty lập nên những tấm bia này để tưởng nhớ về những người đã cống hiến cả cuộc đời để phụng sự công ty. Ngoài ra các công ty với niềm tin ở Koyasan này, bên cạnh Kokai, tên tuổi công ty sẽ sống mãi.
Koyasan 2018, Feb.18th
annjourney.com
Hiện tại có vài tỉnh đã cho phép thi bằng lái xe bằng tiếng Việt, vì thế số lượng người Việt Nam học và thi bằng lái xe ngày càng nhiều. Tháng 9 vừa qua mình theo học nội trú 2 tuần ở trường Maebashi tỉnh Gunma, sau đó mình đã thi đỗ honmen ngay lần thứ 1. Vì thế mình viết bài này để chia sẻ ít kinh nghiệm học và thi bằng lái xe bằng tiếng Việt của mình để các bạn tham khảo.
- Chọn trường: mình không tự tin thi bằng tiếng Nhật nên đã vào các diễn đàn về học lái ô tô ở Nhật của người Việt để hỏi kinh nghiệm của người đi trước, sau đó mình lập danh sách các trường có thi karimen bằng tiếng Việt và gọi đến từng nơi để hỏi thông tin, cuối cùng mình thấy trường Maebashi ở Gunma khá là quy mô và cách làm việc chuyên nghiệp nhất. Sau đó mình cũng có gọi lên trung tâm giới thiệu trường dạy lái xe để hỏi thêm về các trường uy tín và có cho thi tiếng Việt ở khu Kanto thì họ cũng giới thiệu trường Maebashi này . Thế là mình yên tâm chọn trường này để nhập học.
** Lưu ý: đây là trường dạy lái bình thường cho tất cả mọi người, kể cả người Nhật và người nước ngoài nên về cơ bản ngôn ngữ được sử dụng là tiếng Nhật. Tuy nhiên vì số lượng học viên Việt Nam khá đông nên trường có một bạn nhân viên Việt Nam hỗ trợ cho các bạn Việt Nam.
- Học Phí: mình chọn gói ở nội trú 2 tuần ăn học trong trường, bằng AT, phòng đơn, giá là 243.000 yên, bao gồm tài liệu và sách tiếng Nhật. (nếu bạn muốn có sách tiếng Việt thì phải mua riêng, giá 5.500 yên). Nếu không ở nội trú và học tập trung kiểu này thì giá sẽ cao hơn rất nhiều, tầm hơn 300.000 yên. Dù giá học phí của trường khá cao so với các trường khác vào thời điểm này, tuy nhiên ưu điểm lớn nhất của trường là có nhân viên người Việt hỗ trợ, có thi bằng Karimen (bằng tạm thời) bằng tiếng Việt, ký túc xá nằm ngay trong trường nên hạn chế được việc phải di chuyển hàng ngày.
- Cơ sở vật chất : trường lớp khá mới và sạch sẽ, xe cũng mới tinh, chủ yếu của hãng Mazda. Có nhà ăn cho học viên nằm ngay tầng 1 của ký túc xá, mỗi ngày được ăn 3 bữa miễn phí, nhà bếp nầu ăn ngon và có tâm.
- Giáo viên dạy thực hành: trường có rất nhiều giáo viên, chủ yếu là các thầy cô trẻ nên cách dạy dễ hiểu và cũng vui tính nữa nên không cảm thấy mệt mỏi hay ức chế với thầy cô .Vào tiết học lái xe thì một giáo viên sẽ kèm một học sinh, máy tính sẽ chọn giáo viên ngẫu nhiên, nếu cảm thấy không phù hợp với giáo viên nào thì nhà trường sẽ đổi giáo viên cho mình. Ngoài ra, sau giờ học, học viên sẽ viết phiếu nhận xét giáo viên của mình rồi bỏ vào thùng thư, nên hầu như các giáo viên đều cố gắng dạy cho tốt tránh bị học viên phàn nàn.
- Giờ học lý thuyết: có khoảng 2,3 giáo viên chuyên phụ trách phần lý thuyết, tất nhiên là sẽ dạy bắng tiếng Nhật. Giai đoạn 1 có 14 bài lý thuyết, giai đoạn 2 có 18 bài lý thuyết. Hầu hết những gì giáo viên giảng thì đều có trong sách hết. Tuy nhiên bạn nên chăm chú nghe cho kỹ vì giáo viên có nói thêm nhiều tình huống mà khi lái xe thực tế sẽ gặp phải nên rất bổ ích. Ngoài ra sẽ được xem rất nhiều video sinh động và thú vị (có phụ đề tiếng VIệt). Đối với những bạn kém tiếng Nhật thì cũng đừng hoang mang nếu không hiểu giáo viên nói gì, chỉ là sau giờ học các bạn chịu khó coi kỹ hơn nội dung có trong sách là được vì hầu như đề thi cũng là kiến thức trong sách hết.
- Giáo trình lý thuyết: khi nhập học bạn sẽ được phát tài liệu và sách bằng tiếng nhật, nếu bạn nào muốn có sách được dịch ra tiếng Việt phải mua riêng là 5.500 yên, nếu trả lại sách tiếng Nhật sẽ được hoàn lại khoảng 1.000 yên. Cần lưu ý là sách dịch ra tiếng Việt hiện nay của trường là sách trắng đen nên hơi khó nhìn. Trên thị trường hiện tại có 1 cuốn sách mà nghe đồn giá là 16.000 yên , mình đã mượn để xem qua sách này và nhận xét là nếu có điều kiện nên mua hẳn cuốn 16.000 yên này để học, thứ nhất là bản dịch rất chuẩn, thứ 2 là trình bày bố cục rất rõ ràng dễ hiểu, thứ 3 là sách màu nên các bảng chỉ dẫn, hình minh họa sẽ dễ nhớ hơn, đồng thời đây là sách song ngữ Nhật-Việt nên các bạn có thể đối chiếu nếu không rõ cách dịch của tác giả. Sách 16.000 yên này ttrường không bán nhưng trên mạng có bán, các bạn vui lòng tìm hiểu thêm.
sách tiếng Việt của trường 5.500 yen
sách song ngữ 16.000 yen
- Giờ học thực hành:một giáo viên sẽ kèm 1 học viên, giai đoạn 1 có 12 giờ học thực hành trong sân tập của trường , sau khi thi được bằng Karimen thì học lên giai đoạn 2, được phép lái xe ra đường, lúc này sẽ học thêm 19 tiết lái, chủ yếu lái ngoài đường và các địa hình như đường phố đông đúc, đường hẻm, đường nông thôn, lên dốc, cao tốc….sẽ phân bố tiết học để lái cả ban ngày, cả ban đêm. Tóm lại, về khoản thực hành thì cứ yên tâm là sau khi bạn học xong sẽ có đủ tự tin để lái ngoài đường.
Giáo viên là người Nhật nên sẽ nói tiếng Nhật, tuy nhiên cũng quoanh quẩn những từ chuyên môn như: đạp thắng, đạp ga, đi thẳng, quẹo trái, phải, xác nhận an toàn… nói chung dù kém tiếng Nhật thì bạn cũng sẽ hiểu được.
- Thi bằng lái tạm (Karimen): sau khi học được một tuần thì sẽ được sắp xếp để thi Karimen, qua khỏi ải này là sẽ trở nên nhẹ nhàng. Nếu rớt Karimen, bạn sẽ không được tốt nghiệp đúng ngày vì phải đợi thêm 2 ngày nữa trường mới có đợt thi tiếp theo
- Phần thi thực hành thì đơn giản thôi, bạn sẽ biểu diễn cho giáo viên những gì bạn đã học, 15 tiết thực hành chỉ học cách điều khiển xe, lên dốc, xuống dốc, vào vòng cua nên hầu như mọi người đều lái được hết. Ở phần thi này, điều quan trọng nhất đó là AN TOÀN khi lái xe, bạn phải xác nhận an toàn trước khi cho xe chạy, dừng tạm thời trước khi qua đường ray… nói tóm lại phải biểu diễn cái sự coi trọng an toàn khi lái xe cho giáo viên thấy. Bạn đi chậm như rùa bò cũng không sao, lỡ lái vào mép đường cũng không sao, đi vòng số 8 bị trật phải lùi xe lại vài ba lần cũng không sao, nhưng nếu bạn không dừng tạm thời trước biển báo hoặc trước khi qua đường ray hoặc là lao vào đường cấm, hoặc có hành động lái xe không an toàn là sẽ bao rớt.
- Phần lý thuyết : là phần khó khăn nhất khi đi thi bằng lái, đề có tổng cộng 50 câu nằm rải đều trong 14 bài học(nếu làm đúng 45 câu trở lên là đậu). Bắt buộc bạn phải học kỹ nội dung từng bài, ngoài ra đề tiếng Việt có sự khác biệt lớn giữa cách dùng từ và cách dịch của từng người dịch nên buộc phải làm nhiều đề để quen với kiểu dịch cũng như tăng khả năng suy luận.
**** Về điểm này hết sức biết ơn bạn Hòa, nhân viên người Việt của trường Maebashi đã chịu khó thu thập các nguồn đề, dịch đề và dành thời gian mấy tiếng đồng hồ cho nhóm học viên Việt Nam để giải đáp những vấn đề thường gặp trong đề thi.
Theo kinh nghiệm của mình: sau mỗi bài lý thuyết mình đều dành khoảng 1,2 tiếng đọc kỹ lại nội dung của từng bài để có kiến thức nền, sau đó mình mới luyện đề, vì nếu không nắm chắc nội dung của bài học mà giải đề liền thì sẽ rất khó nhớ.
—>>>>> Sau khi đậu Karimen, sở cảnh sát tỉnh Gunma sẽ cấp bằng Karimen cho bạn, với bằng này bạn sẽ được học tiếp giai đoạn 2, được phép lái xe ra đường (tất nhiên là phải có giáo viên ngồi bên cạnh)
Bằng Karimen của tỉnh Gunma cấp
- Tốt nghiệp
Trước khi tốt nghiệp thì sẽ làm bài kiểm định lý thuyết trên máy tính, rớt thì sẽ làm lại cho đến khi đỗ, phần này đơn giản không có gì phải bàn.
Phần thi thực hành thì sẽ lái ra đường (không lái đường cao tốc), sau đó về bãi xe của trường lùi xe vào chuồng. Riêng cá nhân mình khi sau khi lái ngoài đường, đưa xe về lùi vào chuồng không thành công, phải lùi đi lùi lại 2 lần, tưởng rớt rồi mà vẫn được qua. Nghe đồn khóa trước có bạn lái giỏi nhưng chạy quá tốc độ và vượt đèn đỏ là bị đánh rớt ngay lập tức, khóa của mình có bạn do căng thẳng quá chui lộn vào đường cấm cũng bị đánh rớt. Kết luận của mình là : giáo viên của trường chấm thi cũng khá dễ dãi. Điều quan trọng không phải là bạn lái giỏi hay dở mà quan trọng nhất là : lái xe AN TOÀN , nên phải hết sức chú ý các thao tác an toàn, các biển báo , vì nếu bạn lái xe không an toàn thì ảnh hưởng đến tính mạng của người khác, còn lùi xe bãi có xấu chút cũng chả chết ai. @@
- Thi Bằng lái chính thức (Honmen)
Sau khi tốt nghiệp ở trường dạy lái bạn sẽ mang giấy tốt nghiệp này về trung tâm thi bằng lái ở tỉnh của mình để thi 95 câu lý thuyết, nếu đạt được 90 điểm trở lên bạn sẽ được cấp bằng chính thức. Tùy từng tỉnh mà có đề thi tiếng Việt hay không, mình ở tỉnh Kanagawa có cho thi tiếng Việt nên cũng khá dễ dàng, dù cách dịch đề ở Kanagawa có khác chút ít so với tài liệu mình đã học ở trường nhưng do nắm chắc kiến thức đã học và suy luận một tí nên mình đã thi đỗ ngay lần đầu tiên. Một số bạn ở các tỉnh khác không có đề tiếng Việt đã đổi địa chỉ xuống Gunma để thi. Nhóm nhập học chung với mình có khoảng hơn 10 bạn Việt Nam, hầu hết đã đậu honmen ngay lần thi đầu tiên, còn lại 2 bạn thì đậu vào lần thi thứ 2. Nói chung dù bạn có dở thế nào, có yếu tiếng Nhật thế nào mà chịu khó học ngày học đêm trong vòng 2 tuần như bọn mình thì chắc chắn bạn sẽ đỗ chứ không đến nỗi khó như truyền thuyết mọi người đồn đại.
Bằng honmen của tỉnh Kanagawa cấp
Kết luận: một số ưu điểm nội trội của người VN khi học tại đây.
- Vì lượng học viên người Việt khá đông và do trở ngại về ngôn ngữ nên mình nhận thấy nhà trường khá ưu ái trong việc hỗ trợ các bạn người Việt ( vd: các video trong bài giảng có phụ đề tiếng Việt, nhiều giáo viên người Nhật cố gắng học một số từ chuyên môn bằng tiếng Việt để hỗ trợ cho các học viên, có nhân viên VN hỗ trợ dịch đề ra tiếng Việt…)
- Học viên nội trú nhiều nhất là người Việt Nam nên sau giờ học chúng mình hay tụ tập giải đề chung, nêu ra những tình huống khó hiểu hay thắc mắc để mọi người cùng giải đáp. Nói chung, cộng đồng VN khá giúp đỡ nhau trong việc học, trong 2 tuần học ở đây, từ lúc gặp nhau trong nhà ăn của trường đến khi ngồi chơi chúng mình cũng chỉ nói về các bài học và giải đề. @@
—> Tóm lại: mình cảm thấy rất hài lòng với khóa học ở trường vì không chỉ cung cấp đủ kiến thức để đi thi mà mình được trang bị đủ kiến thức về luật để tham gia giao thông, về văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông. Nếu không học hành bài bản như vậy mình sẽ không bao giờ biết được là nếu trời mưa chạy xe làm văng nước lên người đi bộ cũng bị phạt tiền hoặc bạn bấm còi xe để giục xe phía trước khi nó không chịu chạy lúc đèn xanh thì bạn cũng sẽ bị phạt. Việc học hành nghiêm túc như vậy sẽ giúp bạn tránh được rất nhiều khoản tiền oan ức chỉ vì không nắm rõ luật, và với kiến thức về những khoản tiền khổng lồ bạn phải trả khi gây ra tai nạn cho người khác thì bạn sẽ buộc phải lái xe an toàn, vì phía sau tay lái là sinh mệnh.
** Cảm ơn các thầy cô của trường Maebashi đã tận tình dạy dỗ bọn mình, cảm ơn bạn Hòa, nhân viên người Việt của trường đã hết sức hỗ trợ anh em người Việt trong quá trình học. Hy vọng trường luôn giữ được chất lượng như thế để trở thành địa điểm học lái xe cho anh chị em Việt Nam ở Nhật.
Website của trường:
http://www.maebashi-drivingschool.co.jp/
Annjourney.com
Oct.2020
Bài viết này dành tặng cho các bạn bè, cô chú ở nhà thờ Hirano, Osaka!
—————————————————————————————–
Trước khi giới thiệu về Thiên Chúa Giáo ở Nhật Bản, mình xin phép giới thiệu sơ qua 2 tôn giáo lớn ở Nhật để mọi người có cái nhìn tổng quát.
Thần đạo là một tôn giáo bản địa sơ khai của người Nhật, là tôn giáo đầu tiên ở Nhật Bản. Niềm tin của thần đạo là ”vạn vật hữu linh” tức là mọi vật đều có linh hồn, có thần linh ngự trị. Chính vì thế, thần thánh trong Thần đạo nhiều vô số kể, có khoảng 8 triệu vị thần bao gồm các thần sông, thần núi…đứng đầu là Nữ thần mặt trời Amaterasu. Thần đạo hiện tại là tôn giáo lớn nhất Nhật Bản với khoảng 80.000 ngôi đền. Mặc dù số liệu thống kê tín đồ thần đạo là hơn 50% dân số và vào dịp đầu năm hoặc các dịp quan trọng hầu hết người Nhật sẽ lên các đền thần đạo để bái chào thần linh, nhưng việc lập bàn thờ hoặc cúng bái hàng ngày ở các gia đình thực sự là không thịnh hành nên có thể xem Thần Đạo hiện nay không chỉ là tôn giáo mà còn là văn hóa trong cuộc sống của người Nhật.
Cổng Torii, biểu tượng của Thần Đạo
Phật giáo đi vào Nhật Bản từ thế kỷ thứ 6 và dần phát triển mạnh mẽ xuống tầng lớp bình dân từ khoảng thế kỷ thứ 8. Đầu thế kỷ thứ 12, lịch sử Nhật Bản biến động lớn, quyền lực rơi dần vào tay giới võ sĩ đạo. Nghèo khổ, sưu thuế, bệnh tật, nội chiến…càng làm cho con người ta cần tìm đến nương tựa vào thần linh nên Phật giáo càng trở nên hưng thịnh, nhiều tông phái mới đã ra đời vào thời kỳ này để phù hợp với từng đối tượng dân chúng. Cho đến ngày nay Phật giáo Nhật Bản có khoảng 13 tông phái chính, là tôn giáo lớn thứ 2 ở Nhật Bản với khoảng 34% dân số là tín đồ.
Thiên Chúa Giáo Thánh Phanxico Savier từ Ấn Độ đến Nhật Bản vào giữa thế kỷ 16 và mở đầu cho lịch sử Thiên Chúa Giáo tại đảo quốc này.
Một nhà thờ công giáo ở Nhật Bản
Từ thế kỷ 12, lịch sử Nhật Bản tồn tại song song giữa Thiên Hoàng và tầng lớp võ sĩ đạo mà đứng đầu là tướng quân (Shogun), hầu như thế lực và quyền định đoạt mọi sự tập trung trong tay những vị Shogun này. Nhật Bản cuối thế kỷ 16 do Oda Nobunaga nắm giữ quyền lực, ông là người say mê những thứ mới lạ cũng như văn hóa Tây Phương, những người Châu Âu đầu tiên đã đến Nhật Bản thời kỳ này, việc giao thương buôn bán ở khu vực Kyushu(miền Nam nước Nhật) phát triển mạnh và Thiên Chúa Giáo đi vào Nhật Bản cũng bằng con đường đó theo bước chân của nhà truyền giáo Phanxico Savier. Dưới thời Oda, lịch sử Thiên Chúa Giáo ở Nhật Bản được yên ổn phát triển. 1582, Oda Nobunaga bị ám sát, sau một thời gian lộn xộn thì quyền lực rơi vào tay Toyotomi Hideyoshi. Để tránh cho việc quyền lực bị chi phối, Toyotomi Hideyoshi đã trục xuất các giáo sĩ phương Tây ra khỏi lãnh thổ và tiến hành cấm đạo. Năm 1597, 26 giáo sĩ và tín đồ Thiên Chúa Giáo bị xử tử. Lịch sử Nhật Bản tiếp tục bị thay đổi vào cuối thế kỷ 16, quyền lực chuyển sang gia tộc Tokugawa. Cùng với việc đóng cửa đất nước, những cuộc đàn áp đạo Công Giáo ngày càng tàn bạo dưới thời của Tokugawa Ieyasu. Những nông dân Công Giáo miền Nam vốn bất mãn với việc sưu cao thuế nặng và những cuộc đàn áp tôn giáo đã trỗi dậy nổi loạn vào năm 1637 kéo dài gần 4 tháng. Cuộc khởi nghĩa có hơn 27 ngàn người tham gia và phần lớn đã bị tiêu diệt, lịch sử Thiên Chúa Giáo Nhật Bản đi vào những ngày tháng đen tối, những tín hữu còn sót lại tập trung về hòn đảo xa xôi ở miền Nam và gìn giữ đức tin một cách bí mật. Thời kỳ của gia tộc Tokugawa hòa bình là thế nhưng không có bình yên cho người Công Giáo. Rút cục thì đến thế kỷ 19, hơn 250 năm thống trị của gia tộc Tokugawa cuối cùng cũng kết thúc, đóng lại luôn thời kỳ phong kiến. Năm 1868, quyền lực đã được trả lại cho Thiên Hoàng, mở ra thời kỳ Minh Trị, đất nước mở cửa, Thiên Chúa Giáo được tự do hoạt động trở lại. Nhưng đến hôm nay, hơn 150 năm trôi qua, số lượng tín đồ của Giáo Hội Công Gáo Nhật Bản chỉ vỏn vẹn khoảng 536 ngàn người, chiếm khoảng 0.4% dân số (theo số liệu của Vatican). Ở các thành phố lớn có vài ba nhà thờ, còn ở nông thôn thì mấy chục km mới tìm ra được một nhà thờ, các linh mục cũng phần nhiều là người nước ngoài vì Nhật Bản không đủ tu sĩ. Khi tôi còn ở Osaka, nhà thờ của chúng tôi đã xây dựng trên 50 năm rồi, những công trình bằng gỗ bắt buộc phải được sữa chữa hoặc xây dựng lại sau một thời gian nhất định để đảm bảo an toàn. Rất nhiều cuộc họp được đưa ra để mọi người quyết định: đóng góp xây dựng lại nhà thờ hoặc đóng cửa nhà thờ và đi tham dự lễ ở giáo xứ khác. Các cụ già, những người vốn gắn bó gần nửa đời người với ngôi thánh đường sẵn sàng bỏ ra số tiền khá lớn để khôi phục lại ngôi nhà tâm linh của họ, nhưng nhiều người cũng đặt ra câu hỏi: chúng tôi xây dựng lại nhà thờ này cho ai vì sớm muộn gì khi chúng tôi qua đời cũng không có người kế tục? Đó là một thực tế buồn của Giáo Hội Nhật Bản, những nhà thờ không có người trẻ, rồi ai sẽ gìn giữ tiếp ngôi thánh đường của họ ?
** Ở Nhật, hiện tại việc theo đạo kiểu truyền thống cả gia đình không nhiều, thường thì Tôn Giáo là quyết định cá nhân của từng người nên việc trong gia đình chỉ có một người theo đạo Thiên Chúa Giáo còn các thành viên khác theo Thần Đạo hoặc đạo Phật cũng khá phổ biến. Việc kết hôn cùng tôn giáo là không bắt buộc, các linh mục sẵn sàng làm lễ cưới ở nhà thờ cho các cặp đôi dù người còn lại không theo đạo Công Giáo.
Một số thành viên cùng cha xứ của nhà thờ Hirano, Osaka
Bên trong nhà thờ chính tòa Osaka
Một sự kiện vào mùa hè của nhà thờ Hirano, Osaka
Annjourney.com
Tokyo, June,2020
Hoa đào Kawazu nở sớm ở Shimoda
Một ngày cuối thu chúng tôi xuống thị trấn Shimoda, thuộc phía nam bán đảo Izu, tỉnh Shizuoka. Biển ở Shimoda được đánh giá là một trong những bãi biển đẹp nhất của khu Kanto. Shimoda còn nổi tiếng với những khách sạn nghỉ dưỡng bên bờ biển có cả onsen (suối nước nóng), cá kinmedai với lớp vảy đỏ óng là đặc sản ở đây. Mùa xuân tầm giữa tháng 2, loại hoa đào kawazu sẽ nở dọc bờ sông Aono, bồng bềnh như những đám mây.
Trong nhà ga Shimoda
Shimoda đã từng là một phố biển sầm uất, những dãy nhà, cửa hàng liền kề san sát minh chứng cho một thời vàng son của thị trấn này. Khoảng 10 năm trước sau đợt động đất ở Fukusima, đã dấy lên lo ngại về một trận siêu sóng thần quét qua các làng mạc dọc bờ biển, Shimoda cũng đi xuống từ đó, nhiều người dời đi nơi khác, khách viễn du thưa dần, thành phố buồn bã từ ngày ấy. Hôm chúng tôi đến là cuối tuần, dù thế phố xá vẫn hiu hắt, hơn một nửa những căn nhà trên phố đóng cửa im lìm hoang phế, thành phố cũ kỹ chỉ còn lại người già.
Bữa trưa ở Shimoda với đặc sản cá Kinmedai
Bữa tối Kaiseki tại khách sạn
Trên phố Shimoda
Trên phố Shimoda
Bãi biển Shirahama nhìn từ ban công khách sạn
Chúng tôi vào một nhà hàng của một cặp vợ chồng già, hầu hết khách trong quán là những người đàn ông địa phương, họ nhìn chúng tôi mỉm cười và bắt chuyện, điều này thường không xảy ra ở các nhà hàng trong thành phố lớn ở Nhật. Sau bữa ăn một người đàn ông cho tôi bánh kẹo mà ông vừa nhận được sau khi đi chơi ở tiệm Pachinko, vợ người đầu bếp chạy lên gác lấy xuống cho tôi một trái hồng rất đẹp mà bà nhận được từ Nara.
Bãi biển Shirahama nhìn từ ban công khách sạn
Bãi biển Iritahama từ phòng khách sạn
Hôm sau chúng tôi đi ra biển, biển xanh màu lam, những dải cát trắng mịn, nước trong xanh, sóng vỗ êm đềm . Lúc chúng tôi đến là cuối so tháng 11, lúc đó nhiệt độ Tokyo là 13, nhưng ở đây khoảng 16 độ, trời khá ấm áp và dân mê sufing vẫn tụ hội về đây. Những hàng hoa đào Kawazu zakura bên bờ sông chúm chím nở. Một ông già bảo với tôi rằng thường thì rộ vào giữa tháng 2, nhưng năm nay bị bão và gió lớn nên lá cây rụng hết, khi trời ấm lên làm cho một số cây bị bung hoa. Tôi đi trên bờ đê, giữa bầu trời lộng gió, hai bên là con đường hoa đào lác đác nở.
Hoa đào nở sớm dọc bờ sông Aono
annjourney.com
Nov.2019