Những thông tin dưới đây do mình tổng hợp lại sau khi tìm hiểu nhiều nguồn tài liệu của Nhật. Nếu có gì thiếu sót, mong nhận được sự góp ý của mọi người.
————————————————————————-
Shirakawago là một ngôi làng xa xôi hiểm trở, nằm giữa thung lũng, bao quoanh bởi những ngọn núi cao, vì thế mùa đông tuyết thường rơi nhiều, kiến trúc nhà kiểu Gassho zukuri với phần mái hình tam giác để tuyết dễ dàng trượt xuống giúp mái nhà trụ được qua mùa đông khắc nghiệt. Chính sự hiểm trở của địa hình ở đây làm cho ngôi làng cách biệt với thế giới bên ngoài, nhờ đó những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của làng vẫn còn được lưu giữ lại, bao gồm cả kiến trúc nhà ở kiểu Gassho .
Làng Shirakawago vào mùa đông, hình ảnh:Internet
Làng nằm trên một dải đất hẹp, xung quoanh là đồi núi, vì thế diện tích đất canh tác nông nghiệp không nhiều. Trong quá khứ ngành nghề chính của làng là nuôi tằm và sản xuất nitrat cali (tiếng Nhật là kayaku hoặc ensho(từ chuyên ngành) là nguyên liệu chính trong việc sản xuất thuốc súng.
Cần nói thêm rằng: cho đến thời Nobunaga Oda, đất nước vẫn mở cửa giao thương và súng đạn từ nước ngoài được đưa vào Nhật Bản, đến thời Edo đất nước gần như bế quan tỏa cảng (tiếng Nhật là sakoku) cho đến thời Minh Trị. Thời đại Edo là thời đại khá hòa bình nên thực sự không tốn nhiều súng đạn cho những trận giao đấu, nhưng các daimyo vẫn cần một lượng lớn thuốc súng để trang bị cho đội quân của mình hùng mạnh.
Có ý kiến cho rằng Maeda Toshiie (thống lĩnh vùng Kaga) đã bí mật đặt mua nitrat cali ở đây vì chính sự hiểm trở và cô lập của Shirakawago giúp tránh được sự dòm ngó từ thành EDO.
Vì đất nước gần như đóng cửa và nước Nhật không có những mỏ diêm mạch tự nhiên nên chủ yếu nitrat cali phải sản xuất bằng phương pháp thủ công và tất nhiên, nó vô cùng có giá trị và đây là một trong những nguồn kinh tế chính của Shirakawago và một số làng lân cận.
Đến thời Minh Trị đất nước mở cửa, thuốc súng được nhập về từ những nước Nam Mỹ, nơi có những mỏ diêm mạch tự nhiên với giá rẻ hơn rất nhiều so với việc làm nitrat cali bằng phương pháp thủ công. Sợi tơ công nghiệp cũng dần được đưa vào Nhật Bản và trở nên thịnh hành, vì thế các ngành nghề truyền thống của Shirakawago dần suy thoái.
Làng Shirakawago đầu thu
Trong một khách sạn truyền thống ở Shirakawago
Trên cầu Deai bashi vào một ngày mùa thu cùng một nhóm khách Việt Nam
Những mái nhà Shirakawago được lợp bằng những loại cỏ đặc biệt của địa phương, tuy nhiên ngày nay không còn phổ biến nhiều nên chi phí cho nguồn nguyên liệu khá tốn kém, ngoài ra những kỹ thuật đặc biệt trong việc lớp mái này chỉ những nghệ nhân hiếm hoi còn lưu giữ được kỹ thuật của người xưa làm được, họ sống rải rác ở các vùng khác nhau trên nước Nhật nên việc thuê mướn khá là khó khăn và tốn kém. Khoảng 15-20 năm mái nhà cần phải được thay mới một lần, chi phí cho việc lợp tổng thể phần mái khoảng 20.000 vạn yên (khoảng 4 tỉ VND) nên số lượng những căn nhà Gassho zukuri giảm đi rất nhiều từ sau thời Minh Trị, hiện nay chỉ còn khoảng 150 ngôi nhà Gassho Zukuri trên toàn nước Nhật, tập trung chủ yếu ở Shirakawago và Gokayama. 1995 làng Shirakawago được UNESCO phong di sản văn hóa, để giúp các gia đình gìn giữ những tài sản vô giá này, chính quyền và các tổ chức đang hỗ trợ rất nhiều trong việc tu sửa và bảo tồn.
Shirakawago, Oct. 2015
annjourney.com