Home BLOG NƯỚC MỸ
Category:

NƯỚC MỸ

Rate this post

Mùa xuân 2019 mình có làm visa để đi du lịch Mỹ, mình xin chia sẻ lại một số lưu ý trong quá trình xin visa du lịch Mỹ từ Nhật Bản dành cho các bạn đang ở Nhật và sử dụng hộ chiếu Việt Nam.

1. Chuẩn bị hồ sơ:

Để xin visa Mỹ, việc đầu tiên là vào trang web ĐSQ Mỹ để điền đơn D160, sau khi điền xong bắt buộc phải in confirmation ra để kẹp vào hồ sơ, nên gởi về email một bản đề phòng bị mất, vì nếu quên in ra là lại phải điền lại từ đầu rất là cực. Sau đó họ sẽ gởi cho mình link để đóng tiền lệ phí visa, sau khi đóng tiền xong thì mình có thể đặt lịch hẹn để phỏng vấn. Nếu có trục trặc gì trong quá trình chuẩn bị hồ sơ hoặc xin lịch phỏng vấn, có thể gọi trực tiếp đến bộ phận hỗ trợ visa theo số này: 050-5533-2737. Sau khi đặt được lịch phỏng vấn, LSQ sẽ gởi confirmation có kèm mã vạch về địa chỉ email mình đăng ký, in nó ra kẹp vào hồ sơ cùng với các giấy tờ khác: vé máy bay, booking khách sạn, lịch trình, coppy sổ ngân hàng…rồi đến ngày giờ đã hẹn chỉ việc mang hồ sơ đó lên LSQ phỏng vấn thôi.

2. Phỏng vấn:

Theo lịch hẹn phỏng vấn là 10.30 AM, mình đến nơi lúc 10AM, xếp hàng chờ chực mãi đến hơn 12 giờ trưa mới đến lượt mình (vì rất đông người ). Lưu ý: hình làm visa phải chụp theo yêu cầu như đã ghi rõ trên trang web của LSQ, hình của mình phông hơi xám chứ không trắng hoàn toàn như yêu cầu nên phải chụp lại, 4 tấm hết 1.000 yên.

Khi phỏng vấn, nhân viên LSQ hỏi mình đúng 3 câu:

  1. Vì sao muốn đi Mỹ-> đi chơi và shopping với chồng
  2. Ở Nhật lâu chưa?-> 8 năm
  3. Hiện đang làm gì ở Nhật?-> chỉ làm freelancer tour guide.

—> ok, your visa is approved ! Hihi

5 ngày sau mình nhận lại passport có kèm visa và toàn bộ hồ sơ mình đã nộp.

3. Nhập cảnh vào Mỹ.

Lúc nhập cảnh vào sân bay Los Angeles, hành khách rất đông, nhân viên sân bay thì cứ la ó người nọ người kia, không có thân thiện hay niềm nở gì hết. Chờ gần 3 tiếng thì cũng đến lượt mình,  lại vào đúng quầy của anh hải quan gốc Việt.

Ảnh hỏi mình bằng tiếng Việt:

  1. Em đi vào Mỹ một mình hả? -> dạ đi với chồng nhưng chồng em đáp sân bay trên Seatle, em đáp Los rồi đi tiếp chuyến nội địa để lên Seatle.
  2. Ảnh vô cùng ngạc nhiên hỏi 2 lần tại sao? -> chồng em chỉ ở Seastle 1 tuần rồi bay về Nhật lại, còn em đi tiếp xuống Los chơi thêm 2 tuần nữa mới về nên em bay khứ hồi từ Los luôn cho tiện.
  3. Chồng em tên gì? -> đọc tên

Anh hải quan vừa nghe mình trả lời vừa kiểm tra trên máy tính chắc là để đối chiếu thông tin đã đăng ký với câu trả lời của mình. Cuối cùng ảnh nói, ok chúc em đi chơi vui vẻ rồi còn chỉ đường cho mình qua terminal bên cạnh để bay tiếp chuyến nội địa.

4. Thời hạn visa

Visa du lịch có thời hạn 1 năm, trong vòng 1 năm này bạn có thể nhập cảnh Mỹ nhiều lần(kể cả Hawaii), mỗi lần dưới 3 tháng.

Welcome to America!

Annjourney.com

July, 2019

 

 

 

0 comment
0 FacebookTwitterGoogle +PinterestEmail
Đi tàu lửa dọc bờ Tây nước Mỹ
Rate this post

Mùa hè 2019, lần đầu tiên tôi đặt chân đến Mỹ, thực hiện hành trình đi dọc bờ Tây gần 3 tuần lễ. Nước Mỹ quả thật là rộng lớn và quá nhiều thứ làm cho con người ta choáng ngợp. Tôi chọn cho mình một hành trình chậm rãi hơn đó là ngồi trên tàu lửa để ngắm nhìn nước Mỹ, những núi đồi, sông ngòi, biển cả…lần lượt trôi qua từng ô cửa kính. Có lẽ, tàu lửa hợp với những người hoài cổ và mộng mơ.

    Bên trong tàu Amtrak (Private cabin)

Amtrak là hệ thống tàu lửa đường dài rộng khắp nước Mỹ, có nhiều loại vé và mức giá khác nhau. Từ Seatle chúng tôi bắt tàu đi San Jose, quãng đường khoảng 1.300km, mất 24 giờ, giá 400 usd/private cabin (2 người), rộng khoảng 1.5 m và dài khoảng 2.5m, ghế ngồi rộng rãi, buổi tối nhân viên nhà tàu sẽ lên kéo ra thành 2 giường bunk bed. Trên tàu có đầy đủ nước uống, cafe để đầu toa, miễn phí ăn trưa, ăn tối ở nhà hàng xinh đẹp trên lầu 2, từ nhà hàng đi thẳng về cuối tàu có phòng ngắm cảnh (sightseer lounge). Có nhà vệ sinh, nhà tắm ở mỗi khoang, thậm chí có cả khăn tắm. Bước lên tàu nhân viên sẽ đến chào hỏi trò chuyện và hướng dẫn chi tiết, nếu cần thêm gì nữa chỉ cần bấm nút là nhân viên sẽ xuất hiện. Tàu chạy chậm rãi từ miền Bắc xuống miền Nam, đi qua những bờ biển tuyệt đẹp có những ngôi nhà nổi trên mặt nước, những đàn hải âu chao lượn trên bầu trời, những con sông, những cánh đồng, phố phường, làng mạc, nông trang…việc của bạn chỉ là ngồi yên đấy, ngắm nhìn nước Mỹ qua khung cửa sổ. Buổi sáng mở mắt ra đã thấy bình mình đang lên, buổi chiều vừa uống rượu vừa nhìn hoàng hôn tắt dần nơi bìa rừng, và như thế thời gian chậm rãi trôi đi.

  Sightseer lounge

Sau khi vui chơi ở San Jose thì ông chồng tôi quay về Nhật, tôi tiếp tục hành trình xuống San Diego một mình, trên đường đi có dừng lại San Luis Obispo và Santa Barbara mỗi nơi vài đêm. Lần này tôi toàn mua vé ở khoang coach seats là khoang ghế ngồi, loại này giá rẻ nhất. Khoang này cũng có căn tin bán các loại thức ăn, nước uống cơ bản. Khi phát hiện ra là ở đây cũng có cả sightseer lounge thì tôi không buồn tìm ghế của mình mà phi thẳng xuống sightseer lounge, trấn giữ một cái ghế dưới đó và ngắm nhìn những cung đường tuyệt đẹp.

      Tàu chạy qua một khúc cua
       Ga Santa Barbara

Tôi thích đoạn đường từ Salinas đi về phía nam, bầu trời trong xanh xa vời vợi, không một gợn mây. Những đồi cát trơ trọi, khô cằn thỉnh thoảng trồi lên những đụn cỏ, vài con nai đi lang thang trên những sườn núi đá. Đi xa hơn là những điền trang rộng lớn với những ngôi nhà gỗ sơn màu tươi sáng đặc trưng kiểu Mỹ, những con ngựa màu nâu và đen đứng trong chuồng, xung quanh là những cây liễu, cây tiêu dại, và những cây có lá màu tím. Những con bò đen tụ lại dưới gốc cây sồi để tránh nắng, vài con vẫn ngoan cố đứng kiếm ăn giữa đồng hoang cỏ cháy. Thỉnh thoảng tàu cũng chạy qua những cánh đồng nho bạt ngàn, xanh mướt và trĩu quả. Nói thế nào nhỉ? đó là một vẻ đẹp của sự hoang dã, phóng khoáng và trù phú. Đoạn gần đến King City là những vườn bắp cải xanh mướt trong nắng vàng. Còn đoạn từ Suf station đổ xuống  Santa Barbara là những bờ biển dài tuyệt đẹp, những con sóng xô vào bờ đá và từng đàn hải âu đứng rỉa lông trên bờ cát, xa xa là những biệt thự ven biển màu trắng và những cây palm cao vút kiêu kỳ trong nắng. Thật là một bức tranh xinh đẹp và sáng sủa.

Khác với sự nghiêm túc thái quá trên tàu lửa của người Nhật thì đi tàu ở Mỹ khá vui, đặc biệt là ở khoang  Sightseer lounge, chúng ta có thể vừa ngắm cảnh vừa ăn uống trò chuyện, có thể mang cả thức uống có cồn lên tàu và thậm chí có thể bắt chuyện tán gẫu với người ngồi bên cạnh. Đi qua một số điểm quan trọng còn có cả nhân viên lên thuyết minh.

Dù ở Mỹ không có tàu siêu tốc như shinkansen của Nhật, nhưng đối với một người yêu tàu hỏa và quen với sự đắt đỏ của Nhật thì tôi vô cùng ghen tị khi người Mỹ có hẳn một hệ thống tàu lửa chạy từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam với cái giá hết sức bình dân mà nếu ở Nhật thì sẽ không thể nào có được dịch vụ tương xứng với giá tiền như vậy. Nếu có dịp đến Mỹ mà bạn đang băn khoăn không biết nên khám phá nước Mỹ thế nào thì tôi mạnh dạn đề nghị hãy mua cho mình một vé tàu Amtrak để bắt đầu hành trình của mình.

Annjourney.com

California.Aug.2019

 

 

 

 

 

0 comment
0 FacebookTwitterGoogle +PinterestEmail
Haleiwa, phố biển thanh bình

Haleiwa, phố biển thanh bình

by Hoang Ha Anh
Rate this post

Hoàng hôn trên biển Haleiwa

Haleiwa là một thị trấn nhỏ thanh bình với những gốc cây cổ thụ phải hàng trăm năm tuổi, những ngôi nhà Victoria cổ kính xinh xắn. Và  Haleiwa còn là trung tâm lướt sóng của thế giới với những con sóng đẳng cấp.

Dưới gốc cây cổ thụ trong trung tâm của Haleiwa

Trước một cửa tiệm ở trung tâm Haleiwa

Chúng tôi đặt một cái homestay trên airbnb, chủ nhà là người Mỹ đen, ông từ đất liền của Mỹ ( gần Wasgington) chuyển đến Hawaii 25 năm trước. Ông chú sống như người rừng vậy, hàng ngày tự trồng rau trái, tập Yoga và lướt sóng. Buổi trưa chúng tôi đến ông chui ra từ cái mớ lộn xộn sau vườn, ông lôi trong cái thùng một chai nước perrier làm tôi tưởng là welcome drink nhưng mà ko phải, nó đựng cái gì đó và ông rải ra cho con gà ăn. Đường vào nhà chỗ nọ chỗ kia là những bãi cứt gà. Một con gà khác đang nằm lười biếng trên cái ván lướt sóng treo trên đầu tôi. Ôi cái nhà nó lộn xộn như ngoại hình của ông chú vậy, trong nhà toàn mùi lá chùm ngây đang được hong khô, mùi dừa, mùi ổi và la liệt sách. Ông cắt cho tôi một mẩu mía và với tay lấy một cuốn sách tên là Miracle tree rồi chìa ra cho tôi, tôi lật đại một trang đại khái là : cơ thể người có 5% là các loại khoáng chất. Tổng cộng có hơn 20 loại khoáng chất cần thiết trên hành tinh này, cơ thể người có hầu hết các loại đó, mỗi loại đóng một vai trò và bằng cách nào đó chúng nó tự cân bằng với nhau …Cơ thể người không tự sinh ra được khoáng chất, nó được đưa vào cơ thể từ thức ăn… Sau khi làm xong phần thủ tục tạm gọi là check in, ông chú lại chạy tót xuống dưới đất bận rộn với đàn ong. Tôi đảo mắt từ trái qua phải: trong nhà này, không tivi, chỉ có sách, thảm tập yoga, ván lướt sóng, xung quoanh là cây cối được trồng lộn xộn cây nọ xen lẫn cây kia gồm có: mãng cầu, bơ, đu đủ, rau chùm ngây và hàng hà sa số các loại rau củ khác. Mấy con gà sống lang thang ngoài vườn, thỉnh thoảng chú da đen từ ban công trên gác vứt xuống đất vỏ chuối, vỏ bơ …cho lũ gà mổ, và chúng tôi cũng làm như vậy. Nhà ông chú đầy ắp sách, ông đọc mọi thứ, biết tất cả và sống ung dung trong vương quốc của mình như một nhà đạo sỹ. Đời ông chú thật giản đơn kiểu : bớt kiểu cách, bớt rườm rà, bớt ngăn nắp…và kệ mịe cuộc đời.
Buổi tối, thị trấn lên đèn, những ngôi nhà gỗ được giăng đầy những chùm dây điện mùa giáng sinh. Cả ngôi làng sáng rực như một bức tranh ấm áp trong truyện cổ tích. Tôi về nhà thấy chú da đen đốt nến trong phòng khách và ngồi uống trà với cô gái người Pháp.

Phòng ngủ ở homestay 

Phòng ngủ của tôi có hẳn 2 cái cửa sổ, buổi tối gió mát rượi từ vườn thổi vào, những tấm rèm trên khung cửa gỗ bay nhè nhẹ theo từng cơn gió. Ông già hàng xóm bên cạnh đang lè nhè nói những chuyện gì mà tôi không hiểu,  rồi ông chơi ghita, bên ngoài trời bắt đầu mưa rả rích. Thị trấn này, khung cảnh này, ngôi nhà này, thật giản dị và bình yên, như một làng quê nào đó ở Việt Nam.

Buổi sáng ngoài ban công ở homestay

Bữa sáng ở homestay


Ăn sáng với chủ nhà

 

annjourney.com

Hawaii Dec, 2019

0 comment
0 FacebookTwitterGoogle +PinterestEmail